62 sản phẩm du lịch sẽ giúp Quảng Ninh đón 17 triệu lượt khách năm 2024?
Mảnh đất Quảng Ninh là nơi hội tụ của 22 dân tộc cùng sinh sống với những bản sắc văn hóa độc đáo; sở hữu trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc. Trong đó, có nhiều tài nguyên đã khẳng định thương hiệu ở khu vực và thế giới…
Để khai thác “mỏ vàng” du lịch giá trị này, hơn 20 năm qua, Quảng Ninh đã có những quyết sách lớn đem lại diện mạo mới, với sự ra đời của các sản phẩm du lịch cao cấp cùng với các hạ tầng du lịch trọng yếu được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn doanh nghiệp. Hiện không gian du lịch được mở rộng đến 13 địa phương trong tỉnh, tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là một điểm đến hàng đầu Việt Nam và khu vực.
TÍN HIỆU VUI NGAY TỪ ĐẦU NĂM
Mới đây, một tỷ phú Ấn Độ đã tổ chức lễ cưới 3 ngày (16 - 18/2/2024) ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, trong bối cảnh việc thu hút dòng khách đến từ thị trường Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo tới Việt Nam là một trong những biện pháp để du lịch Việt Nam tăng tính cạnh tranh, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển. Điều này cho thấy hiệu quả của việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường khách du lịch, nhất là dòng khách Hồi giáo mà ngành du lịch Quảng Ninh đang theo đuổi.
Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long chia sẻ, thành phố rất quan tâm và ủng hộ chương trình chào đón các sự kiện như thế này. Đây là dịp để quảng bá rộng rãi về mảnh đất, con người và kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Cùng với thị trường Ấn Độ, khách Hồi giáo là thị trường còn khá mới mẻ, tuy nhiên, du lịch Quảng Ninh gây ấn tượng với du khách bởi sự an toàn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người thân thiện, chất lượng dịch vụ đẳng cấp. Quảng Ninh xác định đây là một trong những thị trường tiềm năng cần xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác.
Trước đó, ngay trong ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, Quảng Ninh đã đón nhiều đoàn khách lớn từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đến “xông đất”. Đặc biệt, vào ngày 13/2 (tức ngày mùng 4 Tết), Quảng Ninh tiếp tục đón tàu biển Zhao Shang Yi Dun chở 600 du khách đến từ Trung Quốc cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong năm mới Giáp Thìn 2024.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 801.000 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 108.903 lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ du lịch đạt 1.562 tỷ đồng. Công suất phòng các khách sạn 4-5 sao và tương đương đạt khoảng 50%; một số khách sạn đạt khoảng 70 - 80%, như: Vinpearl Hạ Long Bay Resort, The Watson, D’Lioro, Wyndham Legend...
Hiện nay tỉnh đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng. Quảng Ninh cũng đang hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí; trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng đặc sắc, chất lượng cao… Trong quý 1/2024, ngành Du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đón ít nhất 5,1 triệu lượt khách; tổng thu du lịch đạt 9.948 tỷ đồng.
186 HOẠT ĐỘNG KÍCH CẦU DU LỊCH TRONG NĂM 2024
Ngày 16/2, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này sẽ khai thác 62 sản phẩm du lịch trong năm 2024, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách. Đồng thời, từng bước đưa du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa” trong phát triển du lịch của cả nước.
Cụ thể, khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long sẽ có 11 sản phẩm với các dịch vụ tàu tham quan, lưu trú có hành trình từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long. Trong đó, chú trọng phát triển các tour tuyến tham quan lưu trú trên vịnh Bái Tử Long; tổ chức các dịch vụ vui chơi; giải trí dưới nước; sản phẩm du lịch văn hóa; trải nghiệm nuôi cấy, chế tác ngọc trai; chèo đua thuyền rồng truyền thống trên vịnh Hạ Long,…
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh này cũng tích cực đưa ra các sản phẩm du lịch mới. Riêng thành phố Hạ Long đưa ra 9 sản phẩm gồm: phố đi bộ phong cách Hàn Quốc; tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng; phà du lịch Bãi Cháy; tổ chức các "phiên chợ ký ức xưa"; du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao,... Huyện Vân Đồn dự kiến có 14 sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe, thể thao ngoài trời, bãi biển, tiệc cưới, du lịch MICE... và huyện Cô Tô dự kiến có 7 sản phẩm khai thác tối đa lợi thế biển đảo, các khu vui chơi giải trí, du lịch chữa lành…
Để các sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác hiệu quả, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương này yêu cầu các sở, ngành địa phương và đơn vị liên quan chủ động xác định lộ trình, nhiệm vụ cần thiết để đưa các sản phẩm này vào hoạt động trong năm 2024. Đồng thời, hoạch định các phương án liên kết, xúc tiến, quảng bá khai thác; tạo thêm các dịch vụ bổ sung, tăng sức hút cho điểm đến, kết nối các dịch vụ để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm du lịch Quảng Ninh.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng để giảm chi phí, hạ giá thành. Đồng thời, sẽ mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố…
Được biết, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 186 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch. Trong đó, có nhiều sự kiện truyền thống, đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh như: Tuần lễ Du lịch Hè Hạ Long 2024, lễ hội truyền thống Bạch Đằng, ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Quảng Ninh năm 2024, liên hoan ẩm thực, gala xiếc ba miền, hội chợ OCOP hè 2024... Địa phương này cũng có kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao có sức lan toả và sức hút du lịch lớn như: Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc năm 2024, giải golf Quảng Ninh mở rộng, giải chạy Marathon Hạ Long Heritage...
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, cải thiện hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế.
Năm 2023, du lịch Quảng Ninh đã cơ bản phục hồi so với trước Covid-19. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh ước đạt 33.480 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2022. Tỉnh đã đón tổng số 15,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 33,6% so cùng kỳ năm 2022; trong đó có 2,1 triệu khách quốc tế.