Khai hội Xuân Yên Tử 2024: Lưu giữ hồn thiêng văn hóa Việt
Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2024 đã diễn ra vào sáng 19/2/2024 (tức mồng 10 tháng Giêng Giáp Thìn) tại Hội trường Minh Tâm - Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Theo UBND thành phố Uông Bí, ước tính có khoảng 20.000 đại biểu và du khách thập phương đến dự lễ khai hội năm nay…
Phát biểu tại lễ khai hội, ông Phạm Tuấn Đạt - Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí nhấn mạnh: "Yên Tử là nơi địa linh, phúc địa của quốc gia, là nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại đức vua Trần Nhân Tông và công lao to lớn của ông với đất nước qua hai lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông xâm lược".
KINH ĐÔ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nước đã thanh bình, Ngài tự nguyện rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ-Thiền phái Trúc Lâm.
“Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đạo và đời luôn hoà quyện, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển trường tồn của Đất nước. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc lâm và Trần Nhân Tông chính là Đức Phật Hoàng của đất nước Việt Nam”, ông Phạm Tuấn Đạt khẳng định.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn lưu giữ hồn thiêng văn hóa Việt, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt ngàn đời, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt.
Tinh thần phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo, lấy Đạo để xây đời và qua Đời để dựng Đạo. Vì lẽ đó Yên Tử luôn được xem là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam, là “đất Phật”, là “cõi thiêng ngàn năm”, chốn hành hương, hội tụ của hàng triệu du khách, nhân dân và Phật tử mỗi năm về tham quan lễ Phật.
"Để tiếp tục nâng tầm giá trị của Yên Tử, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương hoàn thiện xong bộ hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" trình lên tổ chức UNESCO xem xét, thẩm định công nhận là Di sản thế giới".
Ông Phạm Tuấn Đạt - Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Phạm Tuấn Đạt, với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn, ngày nay Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc. Công trình Cung Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thành, đây là công trình văn hóa tâm linh có giá trị lớn, có kiến trúc truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử với giá trị đầu tư khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho hay du xuân trảy hội đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam, cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu du khách lại về với non thiêng Yên Tử. Về với Yên Tử chính là về với cội nguồn, chúng ta như được sống lại trong không khí của một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc. Về với Yên Tử, để sâu lắng hơn giáo lý nhà Phật, để tỏ lòng thành kính bái ngưỡng Phật hoàng, thành tâm khấn nguyện trước cửa thiền, cầu mong cho mọi người, mọi nhà một năm mới đủ đầy, ấm no, bình an và hạnh phúc.
“Với lòng thành kính Đức Phật hoàng, lòng yêu nước sâu sắc của mỗi người con đất Việt, lễ hội Yên Tử hàng năm như một lời nhắc nhở các thế hệ cháu con phải luôn ghi nhớ về cội nguồn, để kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân và cầu mong Đức Phật hoàng sẽ tiếp tục phù hộ độ trì cho non sông nước Việt quốc thái dân an, đồng thời phải biết trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà tổ tiên ta để lại, nguyện ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển đất nước”, ông Phạm Tuấn Đạt nhấn mạnh.
Tại lễ khai hội, các vị chư tăng hòa thượng tiến hành thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ lần lượt thực hiện đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử. Ngoài ra, phần lễ còn các hoạt động thú vị khác như thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm vô cùng đặc sắc. Được biết, ngay trước ngày lễ hội diễn ra, Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành nghi lễ mở cửa rừng Yên Tử. Sau đó, các sư thầy và cả người dân địa phương sẽ thực hiện những nghi thức cầu mong cho lễ hội diễn ra bình an, tốt đẹp như dâng hương, tụng kinh niệm Phật, tế cáo trời đất, Phật tổ và các vị sơn thần,...
LỄ HỘI HÀNH HƯƠNG SUỐT 3 THÁNG MÙA XUÂN
Sau khi kết thúc nghi lễ khai hội, du khách bắt đầu cuộc hành hương lễ Phật theo từng dòng, lần lượt di chuyển đến đỉnh núi Yên Tử dưới những bóng cây cổ thụ to lớn và có cả những làn sương khói mờ ảo, cứ ngỡ như đang đi vào cõi Phật.
Năm nay, Lễ khai Hội xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động văn hoá đặc sắc. như: Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử.
Trong 9 ngày, từ mồng 1 Tết Giáp Thìn đến trước ngày khai hội, Khu di tích Yên Tử đã đón số lượng khách du xuân, chiêm bái lễ Phật là 138.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần cùng với các địa phương trong toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu hút 17 lượt triệu lượt khách trong năm 2024.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết để chuẩn bị lễ hội, chính quyền TP. Uông Bí đã tập trung tu bổ, quy hoạch khang trang, rộng rãi, hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe, nội viện các chùa đều được chỉnh trang; hệ thống điện chiếu sáng, biển chỉ dẫn, lan can; phương án phân luồng di chuyển một chiều lên, xuống đều được bố trí hợp lý, an toàn để đông đảo du khách có thể thư thái thưởng ngoạn.
"Từ 30 Tết đến nay, chúng tôi đã thường trực tại khu di tích bảo đảm các hoạt động lễ hội và công tác bảo vệ rừng. Lễ hội Yên Tử kéo dài suôt 3 tháng mùa xuân để người dân hành hương, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an thành phố Uông Bí và các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, y tế, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng đúng quy định pháp luật, qua đó đón khách về hành hương lễ Phật được an toàn nhất", ông Dũng chia sẻ.