ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 6% trong năm 2024
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ đạt 6% trong năm 2024 và tăng nhẹ lên 6,2% trong năm 2025, và lạm phát duy trì ổn định ở mức 4% trong cả hai năm...
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 9 diễn ra ngày 25/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã dự báo tằng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam sẽ đạt mức 6% vào năm 2024 và tiếp tục cải thiện lên 6,2% vào năm 2025.
Theo ADB, ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng nhẹ lên 52,4 điểm vào tháng 8/2024, cho thấy sự phục hồi vững chắc của ngành sản xuất hàng tiêu dùng. ADB dự báo ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,3% trong năm 2024 và tiếp tục đạt 7,5% vào năm 2025. Lĩnh vực xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai đúng tiến độ.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tám tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 20,5 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 77% trong tổng số vốn FDI (tương đương 13,6 tỉ USD) được đầu tư vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Về xu hướng trong tương lai, ADB dự báo FDI sẽ tiếp tục tăng vào Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu.
Ngành dịch vụ cũng được dự báo sẽ tăng trưởng khiêm tốn với mức 6,6%, nhờ sự phục hồi của du lịch và các dịch vụ liên quan.
“Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bất chấp những bất ổn toàn cầu. Thành tựu này phần lớn nhờ vào sự cải thiện của sản xuất công nghiệp và thương mại phát triển mạnh mẽ”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định.
Về lạm phát, ADB dự báo lạm phát có mức tăng nhẹ khoảng 4% cho cả năm 2024 và 2025. Dù vậy, các chuyên gia ADB cũng cảnh báo về những rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, bao gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga - Ukraine, có thể tác động tới giá dầu, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, cho rằng một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, nhu cầu từ các nền kinh tế lớn vẫn còn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào tháng 11 có thể gây phân tán thương mại, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm tại Việt Nam.
Mặc dù vẫn đạt được những kết quả khả quan trong thời gian vừa rồi, xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là vẫn còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do sự dịch chuyển thương mại từ việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hàng may mặc, dệt may và điện tử. Ngoài ra, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng là những thách thức đáng kể cho nền kinh tế của Việt Nam.
Để duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn tới, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. “Việc tăng cường nhu cầu trong nước đòi hỏi các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đồng thời duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu nội địa còn yếu”, ông Hùng cho hay.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước dự kiến sẽ thâm hụt nhẹ vào cuối năm 2024, do Quốc hội đã thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm nay. Tuy nhiên, việc thực hiện chi tiêu ngân sách vẫn còn chậm nên các biện pháp kích thích tài khóa cần được ưu tiên tại Việt Nam.
Các chuyên gia ADB gợi ý rằng Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất, từ đó tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.