ADB: Trái phiếu nhà ở, trái phiếu xanh có tiềm năng tăng trưởng lớn tại châu Á
Báo cáo của ADB nhận định rằng việc phát triển thị trường trái phiếu nhà ở có thể giúp các quốc gia huy động vốn để xây thêm nhiều đơn vị nhà ở, đáp ứng nhu cầu đang gia tăng
Theo báo cáo Giám sát trái phiếu Châu Á mới công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trái phiếu nhà ở và trái phiếu xanh là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai tại khu vực Đông Á mới nổi.
Theo báo cáo công bố hằng quý này, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi tiếp tục mở rộng trong quý đầu tiên của năm 2019, bất chấp những xung đột thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
"Các thị trường trái phiếu của khu vực đang giữ vững đà tăng, song những rủi ro vẫn tiềm ẩn bất lợi", Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định. "Điều đó có nghĩa là chúng tôi nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển trái phiếu nhà ở để tài trợ cho nhu cầu nhà ở đang gia tăng khi các vùng quê chuyển sang đô thị hóa, cũng như trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án về năng lượng sạch và các dự án thân thiện với khí hậu khác".
Trong một chương đặc biệt, báo cáo của ADB ghi nhận rằng việc phát triển thị trường trái phiếu nhà ở sẽ làm tăng khả năng tiếp cận các khoản cho vay mua nhà, trong thời điểm nhu cầu đang gia tăng và đa dạng hóa nguồn tài chính cho nhà ở, vốn trước đây được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại. Việc cung cấp nguồn tài chính cho nhà ở có thể sẽ giảm rủi ro mất cân đối về kỳ hạn giữa việc các chủ sở hữu nhà thường vay dài hạn với việc cho vay ngắn hạn của các ngân hàng.
Báo cáo nhận định rằng việc phát triển thị trường trái phiếu nhà ở có thể giúp các quốc gia huy động vốn để xây thêm nhiều đơn vị nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở đang gia tăng trong khi cũng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển thông qua tạo việc làm.
Bên cạnh đó, sự tiếp tục phát triển của thị trường trái phiếu xanh châu Á đang giúp khu vực tài trợ cho những dự án giảm thiểu và thích nghi biến đổi khí hậu. Ví dụ, tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc đã bán trái phiếu nước đầu tiên của châu Á để tài trợ cho các hệ thống quản lý nước bền vững.
Tính tới cuối tháng 3, có 15.000 tỷ USD trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi, cao hơn 2,9% so với cuối năm 2018 và nhiều hơn 14% so với thời điểm cuối tháng 3/2018. Trong khi đó, giá trị trái phiếu phát hành trong khu vực đã tăng lên tới 1.400 tỷ USD trong quý 1, cao hơn 10% so với quý 4/2018 trong bối cảnh việc phát hành các công cụ nợ của chính phủ mạnh hơn.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất xét về quy mô tại khu vực Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng trái phiếu đang lưu hành của khu vực. Hàn Quốc có tỷ lệ trái phiếu trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất trong quý đầu năm nay, lên tới 125,6%.
Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đã khôi phục đà tăng trong quý 1/2019 với mức tăng 0,7% theo giá trị đồng nội tệ lên tới 51,4 tỷ USD, sau khi giảm 5,3% trong quý 4/2018. Mức tăng trưởng này là nhờ gia tăng số dư trái phiếu kho bạc ở mức 0,9% trong quý 1 lên 47 tỷ USD, sau khi sụt giảm 6,1% trong quý 4/2018. Tăng trưởng của thị trường trái phiếu chính phủ cũng bù đắp cho tỷ lệ sụt giảm 1,3% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý.
Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.