Ấn Độ áp thuế tới 30% với một số sản phẩm thép Việt Nam và Trung Quốc
Theo báo Nikkei Asia, Ấn Độ sẽ áp thuế từ 12-30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, một động thái nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép địa phương...
Tờ báo trên dẫn sắc lệnh ban hành đầu tuần này của Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, ống thép hàn không gỉ từ Trung Quốc – nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - và Việt Nam nhập khẩu vào Ấn Độ sẽ phải chịu mức thuế trên trong 5 năm tới.
Dù là quốc gia sản xuất thép thô lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ vẫn nhập khẩu ròng thép trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2024.
Trung Quốc là nước xuất khẩu thép hàng đầu vào Ấn Độ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, vấn đề biên giới khiến mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Trong bối cảnh như vậy, New Delhi đã siết giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Ấn Độ đồng thời dừng một số dự án lớn. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gần đây khẳng định quốc gia Nam Á vẫn cởi mở với Trung Quốc nhưng cũng nhấn mạnh rằng New Dehli thận trọng với các hoạt động này.
Ngày 14/8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo các nhà phân tích, động thái mới của Ấn Độ nằm trong chiến lược nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa, đồng thời điều hướng mối quan hệ địa chính trị phức tạp với Trung Quốc. Với việc áp đặt các biện pháp thuế quan này, New Delhi hướng tới cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và mục tiêu duy trì các mối quan hệ kinh tế.
Kế hoạch thuế quan của Ấn Độ vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia Trung Quốc. Họ cho rằng động thái này sẽ phản tác dụng và tiếp tục làm xấu đi quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Các chuyên gia cũng kêu gọi phía Ấn Độ có cách tiếp cận đúng đắn trong hợp tác với Trung Quốc bởi hoạt động thương mại giữa hai quốc gia có tính bổ sung mạnh mẽ cho nhau.
"Động thái của Ấn Độ nhằm mục đích thay thế hàng nhập khẩu. Nước này kỳ vọng cùng với việc nâng cấp công nghệ, ngành công nghiệp thép trong nước có thể thay thế hàng nhập khẩu Trung Quốc thông qua các biện pháp bảo hộ thương mại. Động thái này cũng phù hợp với sáng kiến Make in India của Chính phủ nước này", ông Liu Zongyi, tổng thư ký Trung tâm nghiên cứu hợp tác Trung Quốc - Nam Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận xét với tờ Global Times của Trung Quốc ngày 12/9.
Tuy nhiên, theo ông Liu, việc tăng thuế quan với thép nhập khẩu cũng không đảm bảo rằng những sản phẩm này sẽ được sản xuất mạnh tại Ấn Độ.
Còn theo nhà nghiên cứu Wang Peng tại Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, kế hoạch áp thuế trên có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời gây tác động tiêu cực trong dài hạn tới sự phát triển công nghiệp của Ấn Độ.
“Bởi lẽ, tăng thuế nhập khẩu sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất”, ông wang nhận xét.
Dữ liệu hải quan cho thấy, bất chấp động thái siết kiểm soát của Ấn Độ nhằm vào các công ty Trung Quốc kể từ tháng 6/2020, hoạt động thương mại giữa hai quốc gia có xu hướng đi lên trong 3 năm qua.
“Bản chất của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ là bổ trợ cho nhau. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Sau khi chế biến hoặc láp ráp, họ xuất khẩu sang các quốc gia và khu vực khác”, ông Liu cho biết. “Do đó, việc hạn chế giao dịch với Trung Quốc sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ diễn tiến xấu đi”.
Với Việt Nam, ngày 14/8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam. Động thái tiến hành theo đơn kiện được đệ trình bởi hai công ty thép lớn là JSW Steel và ArcelorMittal Nippon Steel India.
Ngoài Ấn Độ, Mỹ cũng tiến hành rà soát hành chính với một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm đinh thép, ống thép chịu lực không gỉ...