Bắc Giang: Dứt điểm tiêm vaccine cho công nhân, sớm khôi phục sản xuất
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang chiều 30/5...
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang - hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp, trong đó có nhà máy của các tập đoàn tầm cỡ toàn cầu.
Tại Bắc Giang, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với số ca bệnh lên tới hơn 2.000 và liên tục tăng ở mức 3 con số mỗi ngày, chủ yếu tại các khu công nghiệp.
BẮC GIANG “CĂNG MÌNH” CHỐNG DỊCH
Báo cáo Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trên 140.000 lao động ngừng việc, bao gồm hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh.
Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết hiện có 40 doanh nghiệp đăng ký và xây dựng phương án trở lại hoạt động. Ngày 30/5, có thêm 7 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc nhập nguyên vật liệu và xuất hàng do tài xế chở hàng vào và ra khỏi khu công nghiệp về các địa phương phải cách ly 21 ngày.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 5 giảm tới 40,9% so với tháng 4 và giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Các thương nhân cũng có tâm lý e ngại đến vùng dịch do khi trở về phải cách ly, do đó, khâu lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, hiện Bắc Giang có 14 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với công suất 3.651 giường. Khó khăn hiện nay là thiếu trang thiết bị cho khu điều trị bệnh nhân nặng. Nhân lực y tế trên địa bàn cũng còn mỏng do cùng lúc phải căng ra nhiều mặt trận. Ông Lê Ánh Dương mong muốn Bộ Y tế điều động thêm cán bộ y tế hỗ trợ cho tỉnh.
“Hiện nay, nhu cầu xét nghiệm của tỉnh 30.000 mẫu/ngày trong 1 tuần liên tục. Để đáp ứng nhu cầu lấy mẫu trên, tỉnh cần bổ sung 400 tình nguyện lấy mẫu và 100 sinh viên công nghệ thông tin để nhập liệu, mã hóa”, ông Lê Ánh Dương nói.
Ông Dương cho biết trong số 150.000 liều vaccine ngừa Covid-19 được Trung ương cấp, ngoài số lượng tiêm cho lực lượng tuyến đầu thì còn khoảng 102.000 liều tiêm cho công nhân. Tính đến 30/5, Bắc Giang đã tiêm được 10.500 liều. Chủ tịch UBND Bắc Giang khẳng định sẽ cố gắng tiêm hết số còn lại trong 7 ngày tới, đồng thời đề nghị Bộ Y tế cử ngay 200 điều dưỡng viên hỗ trợ tỉnh trong công tác này.
Về việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 35 tổ công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để có cơ sở quyết định cho sản xuất trở lại.
“Trước mắt, ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất thấp, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại”, Chủ tịch UBND Bắc Giang cho biết, đồng thời bày tỏ mong muốn các bộ, ngành gỡ vướng cho khâu lưu thông nông sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết Bộ đang thực hiện giải pháp hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản trong đó có Bắc Giang và đến nay việc tiêu thụ vải thiều đang diễn ra thuận lợi.
Với tinh thần hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định sẽ tiếp tục điều động nhân lực, các bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng viên, trang thiết bị đến hỗ trợ tỉnh.
“Bộ Y tế sẵn sàng điều thêm 400 người để lấy mẫu xét nghiệm, đề nghị tỉnh bố trí lịch lấy mẫu phù hợp. Về tiêm vaccine, Bộ Y tế hoàn toàn đáp ứng nhân lực để tiêm chủng như tỉnh kiến nghị. Hiện nay, 500 sinh viên y tế đã được tập huấn tiêm chủng, sẵn sàng điều về Bắc Giang trong tuần sau”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
TẬP TRUNG TIÊM VACCINE CHO CÔNG NHÂN
Ghi nhận các ý kiến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng chống dịch rất quyết liệt. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Bắc Giang với nhiều cách làm sáng tạo, nhất là khoanh vùng các khu công nghiệp lớn, quản lý kịp thời các ca F1, F2.
Phải làm sao cho sản xuất trở lại rồi thì không phải dừng lại lần nữa, mỗi lần dừng như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn..
PHÓ THỦ TƯỚNG LÊ VĂN THÀNH
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh khá lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và công nhân. Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao dập dịch sớm, phục hồi sản xuất sớm, thực hiện tốt mục tiêu kép.
Về các biện pháp cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung thật cao cho tiêm phòng vaccine, đây là chiến lược dài hơi nhưng dứt điểm càng nhanh càng tốt để đưa sản xuất vào hoạt động ngay.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho công nhân và đề nghị tỉnh Bắc Giang rà soát lại các kịch bản để bảo đảm sản xuất an toàn, chứ không phải có vaccine là chủ quan, mất cảnh giác,
“Phải làm sao cho sản xuất trở lại rồi thì không phải dừng lại lần nữa, mỗi lần dừng như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở ý kiến của địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhất trí ban hành một văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông thuận lợi, không để bị đứt gãy, không bị ách tắc lưu thông hàng hóa.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về khung giá đối với vật tư trang thiết bị y tế để các địa phương tham khảo nhằm giải tỏa tâm lý e ngại cho các địa phương vì “sợ vi phạm quy định về mua sắm vật tư”.