BaF Việt Nam "rót" 30 tỷ mở thêm một công ty về chế biến thịt tại Tây Ninh
BAF Tây Ninh có vốn điều lệ 30 tỷ đồng do BAF góp 100% vốn điều lệ. Công ty có trụ sở tại ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thời gian thực hiện dự kiến trước ngày 31/10/2023.
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thành lập Công ty TNHH chế biến thực phẩm BAF Tây Ninh.
Theo đó, BAF Tây Ninh có vốn điều lệ 30 tỷ đồng do BAF góp 100% vốn điều lệ. Công ty có trụ sở tại ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thời gian thực hiện dự kiến trước ngày 31/10/2023.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty mới là chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt. Ngoài ra, Công ty cũng sản xuất phân bón và hợp chất nitơ; bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu và bán lẻ hàng hoá khác mới trong cửa hàng chuyên doanh.
Trước BAF Tây Ninh, BAF cũng đã góp hơn 119 tỷ đồng vào 2 công ty con. Trong đó, BAF cho biết sẽ góp thêm 49,15 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Tân Châu để tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng. Đồng thời, BAF góp 70 tỷ đồng vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tâm Hưng để tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng để xây dựng 2 trang trại nuôi heo khép kín từ quý 4/2023 đến quý 1/2024.
Được biết, nửa đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BAF đạt lần lượt 2.406 tỷ đồng và 12,8 tỷ, giảm 19% và 90% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm là do doanh nghiệp đang cắt giảm mảng nông sản và tập chung hơn vào mảng 3F, tuy nhiên 3 trang trại mới đưa vào hoạt động chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, các khoản vay ngắn hạn trong 2 quý đầu năm của doanh nghiệp tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ để bù đắp cho các khoản phải thu ngắn hạn tăng cao, khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể (tăng 21 lần so với cùng kỳ).
Doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của mảng nông sản giảm lần lượt là 22% và 54%, mảng chăn nuôi có doanh thu thuần và lợi nhuận gộp giảm lần lượt 18% và 19%. Biên lợi nhuận của mảng nông sản và chăn nuôi 1H/2023 đạt tương ứng là 2% và 21%.
Trong báo cáo triển vọng ngành chăn nuôi của VCBS cập nhật ngành chăn nuôi cho thấy, giá heo hơi bắt đầu tăng mạnh trong quý 2, đầu quý 3, tuy nhiên kế hoạch mở rộng trang trại của BAF bị chậm tiến độ so với kỳ vọng nên doanh nghiệp đã bỏ lỡ đợt hồi phục của giá thịt heo trong năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đàn heo đạt hơn 230.000 con, (số lượng heo mở rộng thêm đạt 78% so với dự kiến từ đầu năm), doanh nghiệp cũng giữ lại một lượng heo sữa để nuôi bán thịt nên sản lượng heo bán ra chưa tương ứng với quy mô tổng đàn. Dự báo, tổng sản lượng heo bán ra trong năm 2023 của BAF sẽ đạt khoảng 370.380 con, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 2.787 tỷ và 268 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ việc mở rộng 3F sẽ được dồn sang năm 2024 nếu doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, dự phóng tổng sản lượng heo bán ra trong năm 2024 sẽ đạt 676.380 con với mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 5.659 tỷ và 509 tỷ đồng.
Cho tới thời điểm quý 3/2023, BAF đã hoàn thiện nhà máy cám Nghệ An, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy cám với tổng công suất 440 nghìn tấn/năm, đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động được 100% nguồn thức ăn đầu vào.
Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi sẽ bán kèm theo con giống để tối ưu công suất nhà máy cám. Dự báo trong năm 2023, sản lượng cám bán ra thị trường sẽ đạt 80.000 tấn, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 882 tỷ và 101 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10, giá cổ phiếu BAF giảm 0,85% xuống 23.400 đồng/cổ phiếu và tăng 27,17% từ đầu năm đến nay.