Bán tháo: Chứng khoán Mỹ và tiền ảo đồng loạt “rực lửa”, giá dầu trượt dốc
Chỉ số Nasdaq mất 7,6% trong tuần này, giá Bitcoin đã giảm hơn 40% kể từ kỷ lục...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nối dài xu hướng biến động mạnh kể từ đầu năm 2022, với lực bán tháo dồn nhiều vào cổ phiếu công nghệ. Giá dầu thô giảm phiên thứ hai liên tiếp nhưng kết thúc một tuần tăng. Giá tiền ảo cũng “rực lửa”, với Bitcoin lao về 36.000 USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq giảm 2,7%, còn 13.768,92 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 450,02 điểm, tương đương giảm 1,3%, còn 34.265,37 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,9%, còn 4.397,94 điểm.
Cả tuần, chỉ số Nasdaq giảm 7,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022, về mức thấp hơn 14% so với mức kỷ lục đóng cửa thiết lập hồi tháng 11. Cả Dow Jones và S&P 500 cùng có tuần giảm thứ ba liên tiếp và là tuần giảm mạnh nhất của cả hai chỉ số kể từ năm 2020. So với mức đóng cửa kỷ lục, S&P 500 hiện đã sụt hơn 8%.
Kết quả kinh doanh quý 4/2021 gây thất vọng của Netflix trở thành trở ngại mới nhất đối với các nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ. “Gã khổng lồ” streaming chứng kiến giá cổ phiếu “bốc hơi” 21,8% trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi công bố báo cáo tài chính cho thấy tăng trưởng thuê bao chậm lại. Cổ phiếu các đối thủ của Netflix cũng giảm, như Disney mất 6,9%.
Netflix là công ty công nghệ mới nhất công bố kết quả kinh doanh mùa này. Tuần tới sẽ đến lượt Apple và Tesla. Cổ phiếu Tesla giảm 5,3% trong phiên ngày thứ Sáu. Amazon và Meta Platforms giảm tương ứng 6% và 4,2%.
Từ năm 2008 đến nay, Nasdaq – chỉ số với tỷ trọng lớn thuộc về các cổ phiếu công nghệ - chưa khi nào có chuỗi 14 phiên giao dịch đầu năm tệ như lần này.
“Xét tới sự đi xuống của cảm xúc trên thị trường trong mấy ngày gần đây, những yếu tố nền tảng hầu như không còn giá trị, vì nhà đầu tư hành động hoàn toàn theo các yếu tố kỹ thuật”, chiến lược gia Jim Paulsen của Leuthold Group phát biểu. “Cho tới khi thị trường giảm tới một mức nào đó, những yếu tố như lợi suất trái phiếu, các báo cáo kinh tế và thậm chí các báo cáo tài chính sẽ không có nhiều tác động. Chỉ khi sự ổn định được lập lại và dập tắt nỗi sợ hãi, nhà đầu tư mới bắt đầu nhìn vào các yếu tố nền tảng”.
Trong những phiên trước của tuần này, Nasdaq gặp khó khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt 1,9%, cal nhất 2 năm, khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn này đã giảm còn 1,77%.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần tới sẽ là cuộc họp tháng 1 của Fed, diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư.
“Một vài đợt tăng lãi suất trong năm nay và năm tới sẽ thể hiện sự dịch chuyển chính sách của Fed, nhưng chúng tôi không cho rằng Fed sẽ thắt chặt quá mức và đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ không gây trệch hướng phục hồi kinh tế”, chiến lược gia Scott Wren của Wells Fargo Investment Institute nhận định. Tuy nhiên, ông Wren cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ làm gia tăng mức độ biến động của thị trường.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,49 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 87,89 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,41 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 85,14 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá hai loại dầu đều tăng khoảng 2%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm, giá dầu đã tăng hơn 10% do lo ngại nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu. Trong tuần này, giá dầu Brent và WTI đều đạt mức cao nhất 7 năm.
“Giá dầu giảm chủ yếu do hoạt động chốt lời và tạm thời thiếu vắng những nhân tố giá lên mới”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil phát biểu.
Theo nhà phân tích Edward Moya của Oanda, các nhà giao dịch không hề ngạc nhiên khi giá dầu chững lại. “Giá dầu sẽ không tăng thẳng lên 100 USD/thùng, nhưng với tương quan cung cầu hiện nay, mức giá đó có thể xuất hiện trước mùa hè năm nay”, ông Moya nói.
Ngân hàng UBS dự báo giá dầu sẽ lập kỷ lục trong năm nay và trước mắt, giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 80-90 USD/thùng. Ngân hàng Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Brent vào quý 3/2022 lên 100 USD/thùng, từ mức 90 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần còn chứng kiến sự lao dốc trên thị trường tiền ảo, khiến giá trị vốn hoá của toàn thị trường mất gần 150 tỷ USD.
Vào cuối phiên, giá Bitcoin – đồng tiền ảo lớn nhất thế giới về vốn hoá - giảm khoảng 15%, dao động quanh mức 36.000 USD. Đồng lớn thứ nhì là Ether sụt khoảng 20%, còn 2.500 USD.
Cú giảm này của tiền ảo diễn ra đồng thời với phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ, khiến giới phân tích cho rằng tiền ảo đang được các nhà đầu tư xem như một tài sản rủi ro. Tương tự như giá cổ phiếu, giá tiền ảo đang chịu áp lực giảm từ khả năng Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kể từ khi lập kỷ lục ở mức khoảng 69.000 USD vào tháng 11, giá Bitcoin đến nay đã giảm hơn 40%.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng thị trường tiền ảo có thể sắp rơi vào suy thoái, do sự giám sát gia tăng của các cơ quan chức năng và mức biến động giá chóng mặt khiến nhà đầu tư dè dặt. Nhà chức trach nhiều nước đang siết chặt kiểm soát tiền ảo, như Trung Quốc đã “cấm tiệt” các hoạt động liên quan đến tiền ảo, Mỹ cũng nhằm vào một số phương diện của thị trường tiền số.
Trong một báo cáo hôm thứ Năm, nhà phân tích Moya của Oanda dự báo giá Bitcoin có thể giảm còn 40.000 USD do Ngân hàng Trung ương Nga vừa ban hành một lệnh cấm sử dụng và đào tiền ảo trên lãnh thổ Nga, gọi tiền ảo là một rủi ro đối với ổn định tài chính và chủ quyền chính sách tiền tệ. Ông Moya cũng nhấn mạnh rằng Nga là một trong ba nước có tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp đào tiền ảo toàn cầu.