Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023: Nhiều điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm
Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu...
Trong khuôn khổ hội thảo "Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững", ngày 16/5, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023.
Báo cáo nêu rõ, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Khó khăn với xuất khẩu còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất định, thiếu đơn hàng; giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao; áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu... tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.
Những khó khăn từ cả nguồn cung nguyên vật liệu và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đã tác động làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023.
Theo số liệu sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 354,7 tỷ USD, giảm 4,6% so với năm trước, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Báo cáo chỉ ra những điểm tích cực của xuất nhập khẩu năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm 2022, tuy nhiên xuất khẩu đã dần phục hồi trong nửa cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu đã có sự phục hồi qua các tháng. Hết quý 1, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi từ cuối quý 2, khi xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước (kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 tăng 0,6% so với tháng 4; tháng 6 tăng 5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 2,1%, tháng 8 tăng 9%).
Đến cuối quý 3, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm 2023, xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,6% so với năm 2022.
Đặc biệt xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và nhóm hàng nông sản, thuỷ sản có sự phục hồi khá.
Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 95,5 tỷ USD (giảm 0,3% so với năm 2022), thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), đạt 259,1 tỷ USD (giảm 6,1%).
Xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản tăng so với năm trước, trong đó, một số nhóm hàng ghi nhận kim ngạch tăng cao so với năm trước như: xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7%; xuất khẩu gạo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3%; xuất khẩu hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,1%.
Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Phi đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2022; xuất khẩu sang thị trường Ả rập Xê út đạt 1,1 tỷ USD, tăng 57,5%; sang thị trường UAE đạt 4,0 tỷ USD, tăng 4,3%.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 cũng chỉ ra 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất cả nước năm 2023.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu với kim ngạch đạt 42.460.418.319 USD; tiếp đến là Bắc Ninh kim ngạch 39.302.697.091 USD; Bình Dương kim ngạch đạt 30.605.339.811 USD; Hải Phòng kim ngạch đạt 26.797.379.584 USD; Thái Nguyên kim ngạch đạt 25.687.769.353 USD; Bắc Giang kim ngạch đạt 24.499.431.359 USD; Đồng Nai kim ngạch đạt 21.624.486.427 USD; Hà Nội kim ngạch đạt 16.655.817.179 USD; Phú Thọ kim ngạch đạt 10.576.345.632 USD; Vĩnh Phúc kim ngạch đạt 9.970.966.301 USD.
10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đắc Nông, Hà Giang, Quảng Bình và Tuyên Quang.
Báo cáo cũng điểm tên 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao nhất so với năm 2022, cụ thể, Lạng Sơn tăng 107%; Hà Giang tăng 65,8%; Hà Tĩnh tăng 49,7%; Cao Bằng tăng 42,7%; Hà Nam tăng 35,8%.
Ở chiều ngược lại, 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh nhất so với năm 2022 gồm: Điện Biên giảm 47,4%; Cà Mau giảm 29%; Lai Châu giảm 22,6%; Thừa Thiên Huế giảm 18,8% và Bạc Liêu giảm 15,8%.
Bên cạnh những điểm tích cực, kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá cũng cho thấy còn những điểm hạn chế.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ghi nhận giảm 11,3% so với năm 2022, sang thị trường EU giảm 6,6% so với năm 2022, sang thị trường Nhật Bản giảm 3,8%, sang thị trường Hàn Quốc giảm 3,3%, sang thị trường khu vực ASEAN giảm 4,5%.
Cán cân thương mại theo hướng gia tăng trị giá mức xuất siêu. Mặc dù xuất siêu giúp hỗ trợ chính sách tiền tệ, nâng cao dự trữ ngoại hối, tuy vậy, xuất siêu gia tăng do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong tình hình đơn hàng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nhu cầu yếu, đơn hàng giảm làm nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chưa tăng mạnh.