Báo chí trước cơn sóng “di cư” của độc giả lên các nền tảng số
Trong bối cảnh độc giả, khán thính giả đang “di cư” lên các nền tảng số, kênh số mới để tiếp cận thông tin, báo chí bắt buộc phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và sáng tạo hơn trong việc tạo ra nội dung để thu hút, giữ chân người dùng...
Thực tế cho thấy, sau hàng trăm năm phát triển, tờ báo in đã không còn là nền tảng được ưa thích. Thậm chí, theo các chuyên gia, ngay cả các loại hình có nhiều thế mạnh như phát thanh, truyền hình hiện cũng không đủ sức hút với không chỉ giới trẻ, mà còn cả nhiều thành phần khác trong xã hội.
CÔNG CHÚNG ĐÃ THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN THÔNG TIN
“Chỉ khoảng hơn 10 năm trước, tôi vẫn duy trì thói quen mua một tờ báo giấy đọc cùng ly cà phê mỗi sáng. Sau đó vài năm, tôi làm quen với việc đọc các trang báo điện tử. Trong vài năm gần đây, tôi còn đọc thêm mạng xã hội và vào báo chính thống kiểm tra thông tin. Mạng xã hội có phần chiếm ưu thế trong đưa tin tức nhanh chóng, bất cứ người dùng nào cũng có thể đưa tin”. Sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng là sự thay đổi của nhiều độc giả khác trước sự phát triển bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông số hiện nay.
Từ thực tế của người trong nghề, Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, chia sẻ sự thay đổi về cách kể chuyện (từ ảnh và chữ sang đa phương tiện) là điều đã được Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA) nhấn mạnh từ vài năm trước, và đương nhiên nó xuất phát từ việc cách tiếp nhận thông tin của độc giả cũng đã thay đổi.
Thách thức là rất lớn đòi hỏi các cơ quan báo chí phải sáng tạo hơn trong việc tạo ra nội dung để thu hút người dùng. Giữ chân độc giả không chỉ cần đến nội dung chất lượng cao, mà còn phải bằng cả công nghệ, như cá nhân hóa nội dung, sử dụng newsletter, mobile-push… Muốn vậy phải có công nghệ và quan trọng hơn là phải có kinh phí để đầu tư. Muốn có kinh phí lại phải sáng tạo. Tóm lại là một vòng tuần hoàn, khởi đầu bằng đổi mới-sáng tạo.
Báo cáo được We are Social công bố đầu năm nay cho thấy, trung bình người Việt mỗi ngày dành khoảng 6 tiếng rưỡi để vào mạng internet, trong đó thời gian dành cho việc xem các nội dung video là lớn nhất, còn đọc báo chỉ xếp hàng thứ 3, ông Nhật dẫn chứng.
Theo các chuyên gia, trong thời đại 4.0, báo chí đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có sự cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội, sự thay đổi thị hiếu của người dùng và vấn đề tin giả.
Với sự phát triển của Internet và các nền tảng mạng xã hội, người dùng có nhiều kênh để lựa chọn hơn trong tiếp cận thông tin. Người dùng cũng có xu hướng tiếp cận thông tin thông qua các thiết bị di động và sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội trong thời gian nhanh nhất, tin tức được thể hiện ngắn gọn, xúc tích nhất có thể…
Có thể thấy, xu hướng công chúng, độc giả thay đổi hình thức tiếp cận thông tin theo hướng dịch chuyển lên các nền tảng số, mạng xã hội khá rõ nét.
Bản chất của mạng xã hội như Facebook, Tiktok là một hệ sinh thái thông tin có tính chất tương tác 2 chiều nên thu hút rất nhiều người dùng. Những nền tảng này biến một độc giả bình thường trở thành chủ thể chia sẻ thông tin được lan truyền rộng rãi, nhanh chóng trên không gian mạng, tiếp cận được nhiều người đọc nhưng không được kiểm chứng.
Ngoài ra, mạng xã hội kết nối, chia sẻ giữa các công dân số trên toàn cầu một cách hiệu quả với chi phí bằng 0, thậm chí những người tham gia làm nội dung trên mạng xã hội còn kiếm được tiền. Không những thế, các doanh nghiệp hiện nay cũng đẩy mạnh hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ, phát triển mô hình kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, khẳng định ở đâu có nhiều người dùng, ở đó có nhu cầu, có thị trường. Nơi đâu có thị trường, các nhà cung cấp, doanh nghiệp sẽ tìm đến khai thác, phục vụ.
BÁO CHÍ CẦN PHẢI THAY ĐỔI ĐỂ THU HÚT, GIỮ CHÂN ĐỘC GIẢ
Thực tế này đang tạo sức ép đòi hỏi báo chí truyền thống phải tìm cách thích nghi với sự thay đổi để cung cấp nội dung phù hợp và hấp dẫn hơn cho độc giả. Nếu đứng yên với nền tảng truyền thống, báo chí sẽ mất độc giả, khán thính giả, kéo theo đó là không có nguồn thu.
Một chuyên gia lĩnh vực báo chí cho rằng, trong bối cảnh người đọc “di cư” lên các nền tảng số, mạng xã hội, báo chí bên cạnh bản điện tử cần tham gia càng nhiều trên mạng xã hội càng tốt, giúp cân bằng lại thông tin. Khi các cơ quan báo chí ý thức được vấn đề này sẽ có cách làm phù hợp, hiệu quả tốt nhất.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh, một khi giới trẻ chỉ thích tiếp cận thông tin bằng Tiktok hay Shorts thì báo chí sẽ phải xem lại hiệu quả của mình nếu vẫn chỉ tập trung cho những nền tảng truyền thống.
“Cần nhớ, đây là thời đại Web 3, được định nghĩa là người dùng cũng có thể tạo ra nội dung và có thể kiếm tiền (Web 1 là báo chí tạo ra nội dung và kiếm tiền). Không phải ngẫu nhiên chúng ta giờ hay nghe đến các cụm từ như KOL, KOC, thậm chí báo giá đăng “tút quảng cáo” của một KOL còn cao hơn báo giá quảng cáo của một tờ báo ở trung ương”, ông Nhật nói.
Báo chí hiện đang được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển của công nghệ nói chung và AI, ChatGPT nói riêng. Sẽ rất hiệu quả nếu báo chí biết cách tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, công nghệ không thể làm thay vai trò của nhà báo, không thể đem đến cho độc giả thông tin gốc. Đặc biệt, những giá trị cốt lõi của báo chí là điều mà mạng xã hội, các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT không bao giờ có được.
Sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông số là xu hướng tất yếu. Do đó, báo chí nên chắt lọc, học hỏi, khai thác những lợi thế của các nền tảng số. Theo ông Hùng, các cơ quan báo chí nên coi các nền tảng mạng xã hội là một trọng số, một công cụ trong hoạt động chuyển đổi số của mình.
Chia sẻ quan điểm này dưới góc độ người làm công nghệ cho báo chí, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty CP công nghệ NEKO, cho rằng báo chí không nên coi các nền tảng số như Facebook, YouTube là đối thủ mà cần coi đó là cơ hội, một kênh để tăng thêm lượng truy cập cho tờ báo.
Các tòa soạn cần thay đổi chiến lược, tận dụng thế mạnh của các nền tảng số này, có phương thức dẫn dắt, kéo độc giả về báo của mình đọc nội dung tin bài.
Đơn cử như Báo Nhân dân trong những năm gần đây đã có sự dịch chuyển rất nhanh lên các nền tảng số khi mở Fanpage hay tài khoản TikTok...thu hút người xem...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam