Bảo vệ thương hiệu gạo ST25, cách nào?

Chu Khôi
Chia sẻ

Gạo ST25 từng đoạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” đã tạo nên “tiếng thơm” cho Gạo Việt Nam, thế nhưng thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ “lùm xùm” khiến người Việt lo lắng cho việc bảo vệ thương hiệu gạo...

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống Cây trồng Việt Nam.
Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống Cây trồng Việt Nam.

Chia sẻ với VnEconomy xung quanh những gì đang xảy ra với gạo ST25 ở nước ngoài, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Điểm yếu của Việt Nam, từ trước đến nay, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam, thì các doanh nghiệp vẫn ít quan tâm.

Ông nhận định thế nào về những sự việc đang xảy ra với gạo ST25, với nguy cơ bị đăng ký mất thương hiệu tại Mỹ?

Thời gian gần đây sau khi tái cấu trúc ngành sản xuất lúa gạo, chúng ta đã làm rất thành công cơ cấu giống, trong đó có những giống lúa đạt chất lượng rất cao. Sê ri giống ST từ 21-23-24-25 được Công ty Hồ Quang Trí đem đi tham dự Cuộc thi gạo ngon thế giới đã nhiều năm, nhiều lần đoạt giải, như: gạo ST 24 đoạt giải nhì vào năm 2017; gạo ST25 đoạt giải nhất năm 2019 với danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, và năm 2020 tiếp tục được trao giải nhì.

Sự kiện này có hiệu quả lan tỏa rất rộng nhờ giới truyền thông, góp phần làm nâng tầm thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam. Người tiêu dùng rất tò mò, muốn ăn xem gạo ngon nhất thế giới này như thế nào. Vì thế, sản phẩm gạo ST25 không chỉ bán rất chạy trên thị trường Việt Nam, mà người tiêu dùng ở nhiều quốc gia cũng tăng mua sản phẩm gạo ST25.

 
Theo Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), từ năm ngoái, có 4 doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ 5 nhãn hiệu gạo ST25 tại nước này. Nếu họ đăng ký thành công, kỹ sư Hồ Quang Cua và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới tại thị trường Mỹ.

Về Luật sở hữu trí tuệ và Luật đăng ký bản quyền ở Mỹ, trong địa hạt của Mỹ, khi một sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ, thì bất kỳ ai cũng có quyền nộp hồ sơ xin đăng ký. Nhưng có được cấp chứng nhận bảo hộ hay không, thì Cơ quan chức năng của Mỹ sẽ phải xem xét, rà soát xem có ai khiếu nại hay không?

Tôi tìm hiểu qua anh Hồ Quang Cua thì được biết, Công ty Hồ Quang Trí sau khi biết sự việc đã gửi đơn, hồ sơ khiếu nại đến cơ quan chức năng của Mỹ, cung cấp cho họ các bằng chứng để chứng minh đó là tên sản phẩm của Công ty Hồ Quang Trí, đã đi dự thi và đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Như vậy, đến thời điểm này, người Việt Nam có thể yên tâm rằng, gạo ST 25 sẽ không bị mất thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Khi sự việc xảy ra, dư luận chê trách doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Cũng như năm ngoái có người phê phán rằng: gạo ST25 đã đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới rồi, thì còn đem đi thi làm gì nữa để rồi lần tiếp theo chỉ được giải nhì? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Điểm yếu của Việt Nam, từ trước đến nay, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam, thì các doanh nghiệp vẫn ít quan tâm.

Có luồng dư luận chê trách anh Hồ Quang Cua, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ cho anh ấy. Công ty Hồ Quang Trí chưa xuất khẩu sản phẩm gạo, mà chủ yếu chỉ bán giống lúa. Sản phẩm gạo ST25 do họ sản xuất sản lượng cũng rất ít và chỉ bán trong nước. Nếu Công ty Hồ Quang Trí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước Mỹ, rộng ra là rất nhiều nước trên thế giới, thì sẽ tốn nhiều tiền phí làm hồ sơ đăng ký. Bỏ ra nhiều tiền và công sức, trong khi Công ty đó chưa xuất khẩu gạo, tức là không thu được lợi nhuận, thì họ cũng phải tính toán xem có nên làm không?

Cũng như việc phê phán chuyện: gạo ST25 đã đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới rồi, thì còn đem đi thi làm gì nữa. Ấy là dư luận xã hội, chúng ta vì lo cho thương hiệu gạo Việt. Còn với riêng anh Cua, phải lựa chọn lợi ích riêng của mình. Năm trước đem đi dự thi đoạt giải nhất rồi, năm sau được giải nhì thì anh Cua lại tiếp tục có tiền thưởng của giải mới. Có thêm tiền, mới có thêm kinh phí để tiếp tục tạo ra những giống, những sản phẩm gạo ngon hơn.

Nếu ông Hồ Quang Cua không đủ tiềm lực tài chính, thì Cơ quan Nhà nước có được đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại nước ngoài hay không, thưa ông?

Rất may mắn khi sản phẩm ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đã được đăng ký bảo hộ về mặt giống tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để chúng ta bám vào nếu buộc phải có những tranh chấp trong bảo vệ thương hiệu sau này.

Chiếu theo quy định của Luật, bất cứ đơn vị nào sử dụng nhãn hiệu đó, nếu không được phép của chủ sở hữu thì tức là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu ông Hồ Quang Cua thấy rằng một mình Công ty Hồ Quang Trí không đủ lực, không đủ tiền để giữ thương hiệu, thì ông ấy có quyền hợp tác với các doanh nghiệp khác đứng ra bảo vệ nhãn quyền hàng hóa của mình.

 
"Cơ quan Nhà nước chỉ có vai trò quản lý, chứ không làm thay việc của doanh nghiệp. Nhưng cũng đã có người đề xuất, giống lúa ngon như thế, để mở rộng ra sản xuất cho Việt Nam có giống lúa mang thương hiệu quốc gia của gạo Việt Nam, thì Nhà nước có thể đứng ra mua lại từ ông Hồ Quang Cua. Vấn đề này chưa từng có tiền lệ".
Ông Trần Xuân Định

Theo tôi nghĩ, đó cũng là ý kiến hay. Còn chuyện có mua hay không thì đó là quyền của Nhà nước, và có bán hay không lại là quyền của ông Cua. Có thể ông Cua bán bản quyền, có thể là hiến tặng cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đứng ra đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các nước trên thế giới, và cho tất cả mọi doanh nghiệp, nông dân Việt Nam được tự do sản xuất và thương mại giống lúa, sản phẩm gạo từ giống lúa này.

The Rice Trader vừa cảnh báo về tình trạng nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam sử dụng biểu tượng thương hiệu giải thưởng quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới” trên các bao bì mà không được công nhận. Quan điểm của ông như thế nào?

Đến thời điểm hiện tại chỉ có doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được The Rice Trader chấp thuận cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” độc quyền cho mục đích tiếp thị và kinh doanh đối với gạo ST25.

Rất nhiều doanh nghiệp và nông dân đã mua giống lúa ST25 của Công ty Hồ Quang Trí để gieo trồng, thậm chí người ta sau đó còn có thể sử dụng lúa thịt để làm lúa giống. Gạo sản xuất từ giống lúa ST25 có giữ được độ ngon tuyệt hảo hay không còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng đất và quy trình canh tác.

Vì vậy không phải mọi sản phẩm gạo được sản xuất từ giống lúa ST25 đều được công nhận là gạo ngọn nhất thế giới. The Rice Trader có quy định riêng về thể lệ cuộc thi thì chúng ta phải tuân theo nếu muốn tiếp tục tham gia dự thi đó.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con