Bất bình đẳng vaccine có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD

Ngọc Trang
Chia sẻ

Theo một báo cáo mới công bố của Economist Intelligence Unit (EIU), nền kinh tế thế giới có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ USD GDP do sự chậm trễ và thiếu đồng đều trong việc tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển chịu thiệt hại nhiều nhất...

Một phụ nữ tiêm vaccine Covid-19 ở Mumbai, Ấn Độ ngày 12/8/2021 - Ảnh: AFP/Getty Image
Một phụ nữ tiêm vaccine Covid-19 ở Mumbai, Ấn Độ ngày 12/8/2021 - Ảnh: AFP/Getty Image

EIU dự báo các quốc gia không thể tiêm được 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ thiệt hại 2.300 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2022-2025. 

CHÂU Á MẤT 1.700 TỶ USD VÌ CHẬM TIÊM VACCINE

“Các nền kinh tế mới nổi gánh khoảng 2/3 mức thiệt hại này và càng khiến họ chậm bắt kịp với các nền kinh tế phát triển hơn”, bà Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU cho biết. 

Báo cáo của EIU chỉ ra rằng, về con số tuyệt đối, đến nay châu Á là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại ước tính lên tới 1.700 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP dự báo của khu vực. Các quốc gia châu Phi cận Sahara được dự báo thiệt hại khoảng 3% GDP dự báo do chậm trễ tiêm vaccine - mức thiệt hại về phần trăm cao nhất. 

“Đây là những con số ước tính rất lớn nhưng mới chỉ thể hiện một phần những thiệt hại do mất đi cơ hội kinh tế, đặc biệt là trong dài hạn”, EIU chỉ ra và cho biết những tác động của đại dịch tới lĩnh vực giáo dục không được tính vào dự báo này. 

Trong các giai đoạn phải áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng dịch Covid-19, một số quốc gia giàu có hơn đã chuyển hướng sang học trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển không có lựa chọn đó.

Các nước nghèo hơn có thể sẽ phục hồi chậm hơn sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi phải tiếp tục các biện pháp hạn chế do tỷ lệ tiêm vaccine thấp - Ảnh: Getty Images
Các nước nghèo hơn có thể sẽ phục hồi chậm hơn sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi phải tiếp tục các biện pháp hạn chế do tỷ lệ tiêm vaccine thấp - Ảnh: Getty Images

Hiện tại, các nước giàu đang dẫn trước về tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19, thậm chí tính tới việc tiêm mũi nhắc lại, và bắt đầu mở lại nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia nghèo hơn bị tụt lại phía sau khá xa. Theo dữ liệu từ Our World in Data, tính tới ngày 23/8, toàn cầu có khoảng 5 tỷ liều vaccine Covid-19 được tiêm, nhưng các nước thu nhập thấp chỉ chiếm 15,02 triệu liều trong số này. 

“Chiến dịch tiêm vaccine tại các nước thu nhập thấp đang diễn với tốc độ chậm gần như đóng băng vậy”, EIU cho biết. 

Báo cáo cho biết tình trạng bất bình đẳng vaccine xảy ra do thiếu hụt về năng lực sản xuất toàn cầu, thiếu vật liệu thô, khó khăn trong khâu vận chuyển và bảo quản vaccine cũng như việc nhiều người còn do dự vì không tin tưởng vào vaccine.

CHIA RẼ GIÀU - NGHÈO VÌ VACCINE

Nhiều quốc gia đang phát triển không đủ điều kiện tài chính để mua vaccine cho người dân của mình và đang tìm kiếm nguồn vaccine viện trợ từ các nước giàu hơn. Tuy nhiên, các sáng kiến toàn cầu chưa hoàn toàn thành công trong việc phân phối vaccine cho những nơi cần đến. EIU cho rằng Cơ chế tiếp cận toàn cầu COVAX - một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine - đến nay chưa đạt được như kỳ vọng trong việc phân bổ vaccine đến các quốc gia thu nhập thấp.

“Bất chấp những thông cáo báo chí phóng đại và những cam kết hào phóng, việc quyên góp vaccine từ các nước giàu cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu - một số trường hợp thậm chí không được thực hiện”, bà Demarais nói.

Theo dữ liệu theo dõi từ UNICEF, COVAX đặt mục tiêu phân bổ khoảng 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, nhưng đến nay mới chỉ phân bổ được 217 triệu liều. Hãng tin AP cho biết một phần trong số vaccine này được phân bổ tới những nước phát triển như Anh, Canada, Australia và New Zealand. 

EIU cho rằng các nước nghèo hơn có thể sẽ phục hồi chậm hơn sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi phải tiếp tục các biện pháp hạn chế do tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Theo báo cáo, du khách quốc tế có thể cũng sẽ tránh tới các quốc gia có tỷ lệ dân số chưa tiêm vaccine lớn do lo ngại về an toàn, và bất ổn chính trị cũng có thể sẽ gia tăng tại những nước này. 

“Tình trạng bất ổn xã hội có thể sẽ còn dâng cao trong nhiều tháng, nhiều năm tới”, bà Demarais nói. 

EIU cũng dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp do các biến chủng mới lây nhiễm mạnh hơn khiến khó đạt được miễn dịch cộng đồng và việc tiêm vaccine cũng “đạt hiệu quả khiêm tốn hơn” trong việc giảm số ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong. 

“Lãnh đạo các nước đã bận rộn với việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp như số ca bệnh tăng nhanh, nhưng giờ đây họ cần xác định những chiến lược dài hạn hơn”, bà Demarais nhận định. “Và với việc này, một lần nữa sự đối nghịch giữa nước giàu và nước nghèo càng rõ ràng: Nước giàu với tỷ lệ tiêm vaccine cao có các lựa chọn, còn nước nghèo với tỷ lệ tiêm thấp không có mấy lựa chọn”. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con