Bất bình đẳng vaccine Covid: Khi giới giàu và quyền lực ở Đông Nam Á tính tiêm mũi thứ 3
Tại một số “điểm nóng” Covid-19 ở Đông Nam Á, những người thuộc tầng lớp giàu có và quyền lực đã bắt đầu tìm cách để được tiêm nhắc lại, trong khi một tỷ lệ lớn dân số còn chưa được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng virus Sars-CoV2...
Theo hãng tin Bloomberg, xu hướng trên đang nổi lên ở những nước như Indonesia, Thái Lan và Philippines, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vaccine vào thời điểm các nước này đang thiếu nghiêm trọng vaccine Covid để đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.
TIÊM NHẮC LẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC
Bộ Y tế Indonesia đã nói rằng mũi tiêm nhắc lại hiện chỉ dành cho y bác sỹ và nhân viên y tế. Tuy nhiên, một đoạn video đã cho thấy một số chính trị gia cấp cao, bao gồm thống đốc một vùng lớn của Indonesia, trò chuyện về tiêm mũi tăng cường. Do sơ suất, cuộc trò chuyện này đã lọt vào chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) trên kênh chính thức của Văn phòng Tổng thống. Trong đoạn video sau đó đã bị xoá, Tổng thống Joko Widodo được nghe thấy đang nói rằng ông chưa tiêm nhắc lại vì đang đợi vaccine Pfizer.
Thái Lan đang tiến hành điều tra một giám đốc và một bác sỹ tại hai bệnh viện khác nhau được cho là sắp xếp để người nhà và trợ lý của họ được tiêm vaccine Pfizer, trong khi loại vaccine này đang được ưu tiên tiêm cho thai phụ và nhân viên y tế ở Thái Lan.
Tại Philippines, ông Ronaldo Zamora - một nghị sỹ đại diện cho thành phố San Juan - công khai nói tại một cuộc họp báo rằng ông đã tiêm 4 mũi vaccine Covid, gồm 2 mũi Pfizer sau 2 mũi Sinopharm mà ông đã tiêm vào năm ngoái. Sau đó, con trai ông Zamora đồng thời là thị trưởng San Juan nói rằng việc tiêm như vậy là do chỉ định của bác sỹ vì ông Zamora có hệ miễn dịch suy giảm.
Những nỗ lực để được tiêm nhắc lại nói trên diễn ra vào thời điểm thế giới còn đang tranh luận gay gắt về mũi tiêm tăng cường vaccine Covid-19, cho dù đã có những dữ liệu cho thấy mũi tiêm này làm gia tăng sự bảo vệ chống lại biến chủng Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước phát triển hoãn tiêm nhắc lại cho tới khi các nước nghèo có thể tiếp cận được với nhiều vaccine hơn. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Chính phủ nước này đang tính sẽ tiêm nhắc lại cho toàn dân chỉ sau 5 tháng tiêm mũi thứ hai.
Đối với những nước Đông Nam Á đang khan hiếm vaccine, việc tiêm nhắc lại cho những người “có quan hệ tốt” đồng nghĩa giảm nguồn vaccine dành cho nhân viên y tế hay những người yếu thế. Tại Philippines, Malaysia và Thái Lan, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang gần mức cao kỷ lục, trong khi số ca tử vong vì Covid ở Indonesia vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.
Giành chỗ của người khác trong dòng người xếp hàng đợi đến lượt tiêm vaccine “là một vấn đề đạo đức” và đặt toàn thể cộng đồng vào thế rủi ro lớn hơn trước Covid trong dài hạn - Phó giáo sư Voo Teck Chuan thuộc Trung tâm Đạo đức y sinh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phát biểu trong cuộc trò chuyện với Bloomberg.
“Chưa chắc bạn đã làm cho mình trở nên an toàn hơn bằng cách tiêm mũi nhắc lại”, ông Voo nói. “Nhưng bạn sẽ để cho virus tiếp tục lây lan và đột biến trong cộng đồng của bạn, bạn sẽ chứng kiến có thêm những biến chủng mới xuất hiện và nhiều người bị mắc bệnh hơn. Rồi từ đó, bạn sẽ không dám chắc mình phải tiêm bao nhiêu vaccin mới đủ để an toàn”.
Phát biểu hôm 2/9, cố vấn cấp cao nhất của Nhà Trắng về đại dịch Covid-19, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng 3 mũi tiêm vaccine Covid có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết mọi người.
NHỮNG LỖ HỔNG VÀ RỦI RO CHO CỘNG ĐỒNG
Ở một số nước Đông Nam Á như Indonesia và Philippines, vấn đề tiêm nhắc lại đặc biệt “nóng” bởi những nước này phụ thuộc nhiều vào các loại vaccine bất hoạt do Trung Quốc sản xuất. Một số nghiên cứu cho thấy những vaccine này có hiệu quả thấp hơn so với vaccine công nghệ mRNA của Moderna hay Pfizer/BioNTech.
Ngoại trừ Singapore, quốc gia đã đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine cho 80% dân số, nhiều nước trong khu vực đang còn cách rất xa mục tiêu đề ra. Cả Philippines và Indonesia đều mới tiêm đủ cho chưa đầy 13% dân số. Tỷ lệ này ở Việt Nam và Thái Lan tương ứng đạt 10% và 11%. Philippines chưa phê chuẩn tiêm nhắc lại, nhưng Thái Lan và Indonesia đã “bật đèn xanh” cho việc tiêm tăng cường cho những nhóm ưu tiên.
Thông thường, tiền, mối quan hệ hoặc ảnh hưởng có thể giúp một số người được tiêm vaccine sớm hơn những người khác. Tuy nhiên, nỗ lực đẩy chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất và rộng nhất có thể cũng dẫn tới những lỗ hổng khiến một số người muốn lợi dụng. Indonesia đã phát hiện những trường hợp lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống đăng ký tiêm để được tiêm thêm.
Ở Philippines, một người có thể đăng ký tiêm ở một thành phố với tư cách cư dân và ở một thành phố khác với tư cách người lao động, mà không có một cơ sở dữ liệu chung nào. Tình trạng này tạo điều kiện cho một số người có công việc tốt hơn và mức lương cao hơn được tiêm thêm vaccine.
Một nhà quản lý dự án ở vùng thủ đô Manila đề nghị không tiết lộ danh tính đã kể với phóng viên Bloomberg chuyện tiêm vaccine của mình. Ban đầu, ông này đăng ký tiêm tại công ty vì Chính phủ Philippines cho phép khu vực tư nhân được mua vaccine và tiêm cho người lao động. Tuy nhiên, do không rõ đến lúc nào được tiêm ở công ty, ông đã đăng ký tiêm 2 mũi vaccine Sinovac theo chương trình tiêm của Chính phủ tại một thành phố khác. Không mấy tin tưởng vào tác dụng của vaccine Sinovac, ông không báo cáo với công ty về việc mình đã tiêm, để tiếp tục tiêm thêm vaccine Moderna ở công ty trong tháng 8.
Do hiếm vaccine, nhiều người dân ở một số nước Đông Nam Á phải di chuyển một quãng đường dài, thậm chí cắm trại bên ngoài các cơ sở y tế để chờ được tiêm mũi vaccine Covid thứ nhất hoặc thứ hai. Khi một số nước bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với những người đã tiêm vaccine, các đám đông càng trở nên lớn hơn, làm gia tăng rủi ro lây nhiễm.
Tiêm nhắc lại bằng cách “lách” luật sẽ làm suy yếu năng lực giám sát của nhà chức trách, vì cơ quan chức năng không thể biết bao nhiêu người đã được tiêm đủ và bộ phận nào của xã hội còn dối mặt nguy cơ cao, đồng thời cản trở khả năng của cơ quan chức năng trong việc truy dấu sự lây truyền của virus - nhà dịch tễ học lâm sàng Leonila Dans thuộc Đại học Philippines nhận định.
“Việc giành lượt tiêm của người khác không chỉ làm hại 1-2 người, mà đặt cả cộng đồng vào thế rủi ro”, ông Dans nói.