Bất chấp lệnh cấm, các mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc sôi động trở lại
Tại Trung Quốc, hoạt động khai thác Bitcoin ngầm đã tăng lên đáng kể sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm vào năm ngoái, đưa nước này trở lại thành một trung tâm khai thác Bitcoin thứ hai thế giới...
Theo dữ liệu của Dữ liệu do Trung tâm tài chính thay thế Cambridge của Anh (CCAF), Trung Quốc vừa trở lại trở thành một cường quốc về khai thác Bitcoin bất chấp các biện pháp kiểm soát lĩnh vực tiền ảo của Bắc Kinh, bao gồm lệnh cấm đối với hoạt động đào (mine) tiền ảo.
Dữ liệu cho thấy sự gia tăng đáng kể của hoạt động khai thác bí mật sau khi lệnh cấm của Bắc Kinh và Trung Quốc hiện là địa điểm khai thác Bitcoin lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo dữ liệu từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, các thợ đào Bitcoin Trung Quốc đứng sau 21,11% công suất băm (hashrate) toàn cầu.
"Tại Trung Quốc, hoạt động khai thác bí mật đã đột ngột tăng lên sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm vào tháng 6/202 đưa nước này trở lại thành một trung tâm khai thác Bitcoin lớn”, CCAF cho biết trong báo cáo vừa công bố.
Trung Quốc từng là nước khai thác Bitcoin số một thế giới cho tới khi chính phủ nước này cấm hoàn toàn hoạt động này vào tháng 10. Tất cả hoạt động kinh doanh liên quan tới tiền ảo tại Trung Quốc hiện đều là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, nỗ lực này của Bắc Kinh đã thổi bùng hoạt động khai thác ngầm, nghiên cứu chỉ ra.
“Điều này cho thấy rõ ràng rằng hoạt động khai thác ngầm quy mô lớn đã hình thành tại Trung Quốc, khẳng định điều mà giới thạo tin trong ngành từ lâu đã nhận định”, báo cáo viết. “Việc tiếp cận nguồn điện ngoài lưới điện quốc gia, rải rác ở nhiều nơi và hoạt động quy mô nhỏ là các cách chủ yếu mà giới thợ đào Bitcoin ngầm sử dụng để che giấu hoạt động của mình với cơ quan chức năng và lách lệnh cấm”.
Hoạt động khai thác Bitcoin cần tới các máy tính hiệu năng cao để giải các phép toán phức tạp nhằm nhận phần thưởng là các Bitcoin mới và đảm bảo hoạt động của hệ thống. Công suất băm phản ánh sức mạnh tính toán của mạng lưới Bằng chứng công việc (Proof of Work) mà các loại tiền ảo như Bitcoin sử dụng để xử lý các giao dịch trong một chuỗi khối (blockchain). Công suất này cũng phản ánh tốc độ hoàn thành các phép tính của máy tính.
Theo báo cáo, lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc đã lập tức gây ra sự sụt giảm tổng công suất băm toàn cầu, nhưng tình hình nhanh chóng đảo chiều khi các thợ đào chuyển ra nước ngoài để khai thác.
"Vào cuối năm 2021, tổng công suất băm toàn cầu đã gần phục hồi về mức trước lệnh cấm”, báo cáo viết. "Xu hướng gia tăng tiếp tục diễn ra vào đầu năm 2022 và đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại”.
Dữ liệu của CCAF cho thấy Mỹ hiện dẫn đầu thế giới với 37,84% công suất băm toàn cầu. Ngoài giá điện thấp, một số bang của Mỹ như Texas cũng có chính sách thân thiện với tiền ảo và sở hữu cơ sở hạ tầng đầy đủ cho hoạt động đào tiền ảo.
Bang Texas cung cấp điện theo cơ chế thị trường, cho phép người sử dụng điện lựa chọn nhà cung cấp mình muốn. Một điều quan trọng là lãnh đạo bang này có quan điểm ủng hộ tiền ảo. Đây được xem là những điều kiện đáng mơ ước với giới đào tiền ảo – được chào đón nồng nhiệt cùng nguồn năng lượng giá rẻ.
Trong khi đó, tỷ trọng công suất băm của Nga đã giảm đáng kể từ 11,23% vào tháng 8 năm ngoái xuống còn 4,66% vào tháng 1 năm nay.
Kazakhstan trở thành điểm đến của các thợ đào Bitcoin rút khỏi Trung Quốc sau lệnh cấm với tỷ trọng công suất băm tăng lên 18,1% vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, các quy định nghiêm ngặt liên quan tới hoạt động khai thác tiền ảo của Chính phủ Kazakhstan khiến tỷ trọng này giảm xuống còn 13,22%.