Bất động sản, chứng khoán "thất sủng", người Trung Quốc đua nhau gửi tiết kiệm và mua vàng
Ở Trung Quốc, đã qua thời bất động sản và chứng khoán là những kênh đầu tư bảo chứng lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, gửi tiết kiệm ngân hàng và vàng đang lên “cơn sốt” trong tầng lớp trung lưu…
Sau khi xem xét kỹ lãi suất tiết kiệm của vài ngân hàng, Li Yuan quyết định gửi 200.000 nhân dân tệ (27.800 USD) vào một ngân hàng nhỏ ở địa phương để đảm bảo nhận mức lãi 3,2%/năm trong 3 năm. Đây là năm thứ hai bà mẹ một con ở tỉnh Hồ Bắc này gửi ngân hàng toàn bộ tiền tiết kiệm của mình thay vì đầu tư.
CHỈ MUỐN ĐẢM BẢO KHÔNG LỖ
Việc Li quyết định gửi tiền vào kênh tiết kiệm truyền thống này chủ yếu do tình hình phục hồi kinh tế ảm đạm ở Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.
“Tôi đã bắt đầu lên kế hoạch tiết kiệm cho con trai mình vào năm ngoái”, Li chia sẻ. ”Gửi tiền vào ngân hàng tuy không lãi cao nhưng ít nhất có lợi nhuận ổn định. Thị trường bất động sản rất tệ, thị trường chứng khoán cũng vậy. Thậm chí các sản phẩm quản lý tài sản cũng không đảm bảo mang lại lợi nhuận dương”.
Sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, Li cho rằng mình may mắn khi vượt qua được đại dịch. Cô là một trong hàng triệu người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang phải đau đầu tìm kiếm các kênh đầu tư không quá rủi ro.
Theo tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thị trường bất động sản và chứng khoán – vốn là hai kênh đầu phổ biến nhất để làm giàu ở Trung Quốc – giờ đây không còn an toàn như trước. Do đó, các kênh đầu tư ít rủi ro hơn như gửi tiết kiệm ngân haàng, vàng, bảo hiểm nhân thọ…, đang trở nên phổ biến.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc, theo dõi 300 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, đã giảm 38% kể từ tháng 1/2021 và chạm mức thấp nhất 5 năm vào tuần trước. Còn trên thị trường bất động sản, giá nhà tại 70 thành phố vừa và lớn của Trung Quốc trong tháng 12 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 9 năm – theo dữ liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê Trung Quốc. Tổng diện tích bất động sản được bán ra trên toàn Trung Quốc năm 2023 giảm 8,5% so với năm trước, trong khi doanh số giảm 6,5%.
Theo bà Evelyn Xu, chuyên viên quản lý tài sản tại một chi nhánh của Ngân hàng Jiangsu tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, dù năm ngoái ngân hàng trung ương đã vài lần hạ lãi suất, nhiều người vẫn đặc biệt quan tâm tới việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.
“Nhiều khách hàng đã rút tiền khỏi các sản phẩm ngân hàng tư nhân và gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 3 năm. Còn với những người đang đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản, thay vì kén chọn mức lợi nhuận hàng năm, giờ đây họ chỉ muốn đảm bảo không lỗ. Trước đây, mức lợi nhuận năm cho các sản phẩm này có thể lên tới 5%”, bà cho biết.
Mùa hè năm ngoái, thậm chí có người đi từ các tỉnh thành khác đến Ngân hàng Giang Tô để gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 3 năm với mức lãi suất khi đó là 3,3%/năm.
Dù tiết kiệm vốn cũng là một kênh truyền thống được ưa chuộng, nhưng năm 2022, lượng tiền gửi mới của các hộ gia đình tại Trung Quốc tăng vọt, vượt qua các mức đỉnh trong thập kỷ qua – theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Năm 2022, tiền gửi mới của các hộ gia đình đạt tổng cộng 17,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,5 nghìn tỷ USD), tăng 8 nghìn tỷ nhân dân tệ so với năm trước. Năm ngoái, con số này vẫn duy trì ở mức cao khoảng 16,67 nghìn tỷ nhân dân tệ.
NHÀ ĐẦU TƯ CẦN KIÊN NHẪN VÀ SUY NGHĨ ĐỘC LẬP HƠN
Bên cạnh gửi tiền vào ngân hàng, các hộ gia đình Trung Quốc cũng đang đổ xô mua vàng, xem đây như một kênh trú ẩn an toàn. Theo một báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vào cuối tháng trước, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới trong năm ngoái. Năm 2023, đầu tư vào vàng miếng và vàng xu của Trung Quốc tăng 28% lên 280 tấn. Trên thị trường vàng trang sức, nhu cầu của nước này tăng 10%.
“Vàng vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư phổ biến trong năm qua và chủ yếu được mua như một kênh tích lũy tài sản an toàn”, bà Xu cho biết. “Giá vàng ở Trung Quốc đã tăng mạnh nhưng chúng tôi dự báo sẽ còn tăng lên các mức kỷ lục mới trong năm nay”.
Theo tin từ tờ Qianjiang Evening News, vào tháng trước, ở một chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tại Hàng Châu, một nhà đầu tư đã mua liền 3 kg vàng miếng một lúc.
Bà Sue Maiuan lý cấp cao tại một công ty nước ngoài ở Thượng Hải, cho biết vào năm 2020, bà đã rót gần như toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình để mua căn nhà thứ hai ở Thượng Hải. Những năm sau đó, bà đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản và quỹ tương hỗ.
“Khi tôi lần đầu tiên thử mua, các sản phẩm quản lý tài sản đều mang lại lợi nhuận nhưng sau đó không thể đảm bảo sinh lời. Vì vậy, tôi chuyển sang quỹ tương hỗ nhưng rồi nhận ra đây thực sự là ác mộng”, bà chia sẻ và cho biết đến nay đã lỗ bình quân 40%.
"Mọi người đều nhận thấy rằng ‘mùa đông đã đến’ và họ trở nên thận trọng hơn, quan tâm tới rủi ro nhiều hơn, đặc biệt là khi nhìn vào thị trường bất động sản và chứng khoán. Không giống trước đây, khi nhà đầu tư có thể kiếm tiền bất kể đầu tư vào đâu, giờ đây họ cần xem xét kỹ hơn, kiên nhẫn hơn và suy nghĩ độc lập hơn”.
Giáo sư Wu Fei, Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải
“Tôi chưa kiểm tra giá trị thị trường của căn nhà ở ngoại ô mà tôi mua năm 2020, nhưng tôi đoán giá đã giảm xuống mức thấp hơn giá mua vào. Bây giờ tôi muốn giữ tiền trong tay thay vì đầu tư”, bà Sue chia sẻ.
Còn với các gia đình khá giả giàu lên nhờ kinh doanh ở đồng bằng sông Trường Giang, vài thập kỷ qua, các gọi bảo hiểm nhân thọ giá trị lớn và quỹ tín thác là hai lựa chọn phổ biến để tích lũy tài sản.
“Các nhà sáng lập doanh nghiệp giờ đây hầu hết bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tếTrung Quốc. Họ cũng bi quan về năng lực của con cái, những người kế nhiệm của mình. Do đó, họ cần có các kế hoạch dài hạn”, ông Jin Xin, chuyên gia về quản lý tài sản gia đình tại Đại học Quản lý Tài sản thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Ninh Ba, cho biết.
Theo ông, các gói bảo hiểm giá trị lớn dài hạn là một kênh tích lũy giá trị tốt và có thể được dùng làm thế chấp để vay tiền ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp cũng đang chuyển tài sản vào các quỹ tín thác hoạt động bên ngoài Trung Quốc đại lục, đặc biệt là ở Hồng Kông.
Giáo sư Wu Fei của Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từng mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư trong những thập kỷ qua. Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác.
“Mọi người đều nhận thấy rằng ‘mùa đông đã đến’ và họ trở nên thận trọng hơn, quan tâm tới rủi ro nhiều hơn, đặc biệt là khi nhìn vào thị trường bất động sản và chứng khoán”, ông Wu nhận xét. “Việc này giống như mặc ít quần áo trong căn phòng ấm và sau đó đi ra ngoài trời, bạn sẽ cảm thấy lạnh cóng. Không giống trước đây, khi nhà đầu tư có thể kiếm tiền bất kể đầu tư vào đâu, giờ đây họ cần xem xét kỹ hơn, kiên nhẫn hơn và suy nghĩ độc lập hơn”.