Bất động sản nghỉ dưỡng: Kéo dài tình trạng “đóng rổ hàng”
"Chưa có dấu hiệu hồi phục" là dự báo cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng từ nay đến cuối năm 2024 của nhiều chuyên gia bất động sản…
Nhằm “kích” thanh khoản các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư tiếp tục chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... nhưng thị trường vẫn “ngủ đông”.
BIỆT THỰ NGHỈ DƯỠNG: CẦU TĂNG KHÔNG ĐÁNG KỂ
Theo báo cáo của DKRA Group, trong tháng 5/2024 chỉ có nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận tăng so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn ở mức thấp so với giai đoạn trước 2022 và tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 66%), miền Nam (chiếm 34%).
Nguồn cung mới ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng đến từ 03 dự án với 90 sản phẩm. Mặc dù giá bán vẫn không thay đổi, ở mức từ 11,9 – 36,9 tỷ đồng/căn tại miền Bắc và 5,2 – 5,8 tỷ đồng/căn tại miền Nam, nhưng trong tháng 5/2024, số căn biệt thự giao dịch thành công đạt 23 căn, chiếm 26% lượng hàng trong tháng. Điều này đã giúp thanh khoản của phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng tăng tới hơn 20 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo DKRA, mặt bằng giá sơ cấp vẫn neo ở mức cao, sức cầu thị trường tuy tăng nhưng không đáng kể, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng rõ ràng và tập trung vào những căn có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.
Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... nhằm tăng thanh khoản.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cho rằng vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng chưa thể triển khai, trong khi lượng hàng tồn kho toàn ở phân khúc giá cao, khiến thanh khoản gặp khó. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là nguyên nhân khiến thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
SHOPHOUSE NGHỈ DƯỠNG GIẢM GIÁ 40%
Trong tháng 5/2024, phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. Nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Dù sức cầu chung thị trường duy trì ở mức thấp, nhưng giá bán sơ cấp vẫn không giảm. Do đó, lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, ở thị trường thứ cấp ghi nhận một số sản phẩm nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng có mức giá giảm đến 30% - 40% nhưng vẫn không bán được hàng.
Sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, vướng mắc pháp lý... đã gây ra những trở ngại đáng kể trong những tháng đầu năm 2024 khiến thị trường gần như rơi vào chu kỳ “ngủ đông kéo dài”.
CONDOTEL TRẦM LẮNG
Nguồn cung mới condotel trong tháng 5/2024 chỉ có 01 dự án mở bán tiếp theo với 34 căn, giảm 76% so với cùng kỳ và tập trung cục bộ tại khu vực Miền Bắc. Riêng miền Trung và miền Nam tiếp tục vắng bóng dự án mới mở bán.
Nguồn cung giảm sâu, sức cầu chung ở mức thấp, toàn thị trường chỉ có 01 căn codotel được bán thành công, giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh khoản tiếp tục kéo dài tình trạng rất ảm đạm. Lượng tiêu thụ tập trung ở những sản phẩm có pháp lý hoàn thiện với mức giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn.
Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, chiết khấu thanh toán nhanh... vẫn được áp dụng rộng rãi.
Theo DKRA, những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư... đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Dự đoán thị trường condotel sẽ trầm lắng kéo dài và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.