Bay thẳng tới Mỹ: "Bamboo Airways nhanh nhất cũng phải 18 tháng nữa"
Bamboo Airways cho biết hãng này dự kiến đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 sẽ bay thẳng tới Mỹ, lãnh đạo Cục hàng không cho rằng, nhanh nhất cũng phải 18 tháng nữa
Tại buổi họp báo diễn ra mới đây, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Bamboo Airways cho biết, hãng này đang tiếp tục kế hoạch mở đường bay thẳng tới Mỹ, việc nhận máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên trong tháng 12 là một trong những bước chuẩn bị.
Bamboo Airways sẽ phối hợp với một công ty bên Mỹ để thực hiện việc này. Dự kiến, cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, Bamboo Airways sẽ bay thẳng đến Mỹ.
Tuy nhiên, đề cập đến việc này, tại toạ đàm Hàng không Việt Nam: Cơ hội và Thách thức sáng 11/12, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng năng lực khai thác của hãng hàng không, mà trước hết là phải có tàu bay để đăng ký bay đường dài và bay qua đại dương đến Mỹ.
Theo đánh giá của Cục Hàng không, nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút. ETOPS là điều luật của ICAO cho phép máy bay thương mại 2 động cơ được bay kéo dài thêm một khoảng thời gian bay nữa trong trường hợp một động cơ bị hỏng, khoảng thời gian này không cần phải đủ để bay qua biển hay xuyên đại dương mà là thời gian bay với một động cơ giữa các sân bay trung chuyển
"Hiện tại, trong 5 hãng hàng không, mới có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này. Những hãng khác như Bamboo Airways muốn được phê chuẩn ETOPS 180 phút thì điều kiện đầu tiên phải tích luỹ kinh nghiệm, nhanh nhất cũng mất 18 tháng kể từ khi khai thác loại tàu bay đó", lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Nếu đúng như vậy, thì với việc nhận máy bay Boeing 787-9 Dreamliner - chiếc máy bay mà Bamboo Airways tin tưởng sẽ có thể bay thẳng tới Mỹ vào trong tháng 12 này thì nhanh nhất cũng phải đến giữa năm 2021 Bamboo Airlines mới có thể hiện thực hoá ước mơ của mình.
Một vấn đề khác được lãnh đạo Cục Hàng không đề cập là an ninh hàng không. Theo ông Đinh Việt Thắng, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ (TSA) phê chuẩn. Tương tự, các sân bay xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ cũng vậy. Hiện hàng năm, cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ thường cử các đoàn chuyên gia sang đánh giá.
Thực tế, thị trường hàng không Mỹ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Ngay ở Việt Nam cũng đang có rất nhiều đường bay nối chuyến tới Mỹ. Điều này có nghĩa là muốn bay tới Mỹ, phải cạnh tranh được với các hãng hàng không này. Cùng đó, theo ông Thắng, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan, phải có chương trình kế hoạch, lên chương trình hết sức khốc liệt.
Đến từ Hoa Kỳ, có am hiểu chuyên sâu về thị trường khốc liệt này, Giáo sư Nawal Taneja, cố vấn cấp cao trường kinh doanh Fisher thuộc Đại học Ohio (Hoa Kỳ) đưa ra lời khuyên: Cần nhìn lại việc 2 hãng hàng không Mỹ từng bay thẳng đến Việt Nam, vì sao họ lại dừng?
"Hơn ai hết, hãng hàng không cần tự đánh giá nguồn lực của mình. Nếu chỉ phục vụ khách thăm thân hay du lịch thì không hiệu quả. Đường bay Mỹ muốn hiệu quả phải hướng tới những người không muốn tốn thời gian quá cảnh, là những doanh nhân sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, song đi kèm với đó là dịch vụ thuận tiện với tần suất ít nhất 3 chuyến/tuần. Đừng nghĩ tới chuyện bay 1 điểm dừng vì luôn có những cạnh tranh rất lớn", Giáo sư Taneja khẳng định.