Bị siết giao dịch, Nga ngày càng khó nhập khẩu hàng hóa
Trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, ngày càng nhiều ở ngân hàng Trung Quốc cũng như tại các quốc gia khác tránh thực hiện giao dịch liên quan tới Nga...
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nga từ tháng 1 đến tháng 4/2024 giảm 10%. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh từ tháng 3.
Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu tính theo USD của Trung Quốc sang Nga tháng 4 giảm 14%. Trong tháng trước đó, mức giảm ghi nhận là 16%, lần giảm so với cùng kỳ năm trước đầu tiên kể từ tháng 6/2022. Trong đó, các mặt hàng như nhôm, thép và hàng điện tử giảm nhiều nhất.
“Từ tháng 3 đến nay, chúng tôi chỉ có thể thực hiện giao dịch với các khách hàng Nga qua một số ngân hàng nhất định”, tờ báo Nikkei Asia dẫn một nguồn tin tại một công ty hậu cần Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, người này cho biết việc giao dịch qua các ngân hàng này đang ngày càng khó khăn hơn và có thể 1 tháng hoặc hơn để nhận được tiền thanh toán của khách hàng.
Không chỉ Trung Quốc, hoạt động thương mại của Nga với các “quốc gia thân thiện” cũng bị ảnh hưởng. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang nước này trong quý 1 cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu từ Kazakhstan giảm 25%.
Năm 2023, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt mức kỷ lục. Các linh kiện cao cấp từ Trung Quốc cũng được xuất khẩu sang Nga thông qua các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Kazakhstan. Chính phủ Mỹ cho rằng đây là những yếu tố đã giúp Nga gia tăng hoạt động sản xuất quân sự.
Theo các nhà phân tích, xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia sang Nga sụt giảm trong bối cảnh Washington đang có kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với lĩnh vực tài chính nhằm chặn đứng dòng chảy các loại linh kiện như vậy.
Năm 2022, Mỹ và châu Âu đã cấm một số ngân hàng lớn của Nga tham gia hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu SWIFT. Động thái này khiến các doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc và các quốc gia khác để tiếp tục giao dịch thương mại. Trước tình trạng này, vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng Washington có thể có biện pháp trong phạt đối với các ngân hàng ở nước thứ ba tạo điều kiện cho các giao dịch hàng hóa dùng cho sản xuất quân sự của Nga.
Trong các chuyến công du Trung Quốc và một số quốc gia khác gần đây, các quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, cũng cảnh báo rằng những công ty làm ăn với các thực thể Nga nằm trong danh sách bị trừng phạt có thể sẽ bị cấm tiếp cận thị trường Mỹ.
Trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, ngày càng nhiều ở ngân hàng Trung Quốc cũng như tại các quốc gia khác tránh thực hiện giao dịch liên quan tới Nga. Trong đó, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và nhiều tổ chức tài chính của Trung Quốc hiện từ chối xử lý các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ từ Nga. Có thời điểm, khoảng 80% giao dịch thương mại giữa 2 quốc gia bị đình trệ.
Vào tháng 1, các tổ chức tài chính lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu thông báo cho các khách hàng có liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng của Nga rằng tài khoản của họ sẽ bị khóa. Các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng dành nhiều thời gian hơn để xác minh giấy tờ và dữ liệu liên quan tới các giao dịch của doanh nghiệp Nga trong các ngành khác.
Các ngân hàng của Các tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), như First Abu Dhabi Bank và Emirates NBD, cũng có hành động tương tự. Tháng trước, một số ngân hàng của Mông Cổ được cho là đã tạm dừng các giao dịch liên quan tới Nga. Còn các ngân hàng của Kazakhstan đã bắt đầu từ chối xử lý giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng do phía Nga phát hành.
Từ cuối tháng 3 đến nay, các ngân hàng Trung Quốc đã dừng xử lý giao dịch thanh toán của các nhà sản xuất linh kiện điện tử Nga.
Theo các nhà phân tích, dù ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nga vẫn có thể dựa vào lượng hàng tồn kho, nhưng dự báo tình trạng thiếu linh kiện điện tử và linh kiện khác sẽ xảy ra vào mùa hè năm nay và thời gian sau đó, đẩy giá ô tô cùng nhiều sản phẩm khác ở Nga tăng lên, kéo lạm phát quay trở lại.
Trong một báo cáo vào tháng 5, CBR nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ từ mùa thu năm ngoái đến nay không chỉ nhắm vào các doanh nghiệp Nga mà còn cả những doanh nghiệp ở các quốc gia thân thiện với Moscow. Cơ quan này cảnh báo hoạt động thương mại sẽ sụt giảm và việc thanh toán xuyên biên giới từ Nga sẽ ngày càng phức tạp.