Bình Định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 20 dự án cụm công nghiệp
Trong 20 cụm công nghiệp này có 7 cụm chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 7 cụm công nghiệp mở rộng có tính độc lập và 6 cụm công nghiệp có vốn nhà nước đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật…
Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo với tổng diện tích 620,5 ha.
Theo đó, trong 20 cụm công nghiệp, có 7 cụm chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 7 cụm công nghiệp mở rộng có tính độc lập và 6 cụm công nghiệp có vốn nhà nước đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật.
Đối với 7 cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổng diện tích là 286 ha, bao gồm: cụm công nghiệp Bình An (huyện Tuy Phước); cụm công nghiệp Giao Hội, Đệ Đức - Hoài Tân, Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn); cụm công nghiệp Tân Tường An, Thủy sản Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ); cụm công nghiệp Bình Tân (huyện Tây Sơn).
7 cụm công nghiệp mở rộng có tính độc lập với tổng diện tích là 224,9 ha bao gồm: cụm công nghiệp Ngọc Sơn - Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn); cụm công nghiệp Bình Nghi, Gò Cầy, Gò Giữa, Tây Xuân, Hóc Bợm (huyện Tây Sơn); cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh).
6 cụm công nghiệp có vốn nhà nước đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích là 109,5 ha bao gồm: cụm công nghiệp Nhơn Phong (thị xã An Nhơn); cụm công nghiệp Cầu 16, Rẫy Ông Thơ (huyện Tây Sơn); cụm công nghiệp Dốc Truông Sỏi, Gò Bằng (huyện Hoài Ân); cụm công nghiệp Tường Sơn (thị xã Hoài Nhơn).
Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Việc này cũng góp phần giải đã quyết việc làm cho hơn 23.550 lao động, chiếm 35% so với tổng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp. Qua đó làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Bình Định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…
Được biết, hiện toàn tỉnh Bình Định có 44 cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích đất sản xuất công nghiệp trên 939 ha.
Tuy nhiên thời gian tới mục tiêu của tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục tập trung phát triển các cụm công nghiệp hơn nữa. Cụ thể trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, thì dự tính trên địa bàn tỉnh sẽ có 61 cụm công nghiệp với diện tích 1.885,9 ha, diện tích đất công nghiệp 1.321,3 ha.
Vì vậy việc quy hoạch sử dụng đất cho cụm công nghiệp đã được yêu cầu phải dự báo sát với thực tế phát triển của từng địa phương để phân bổ kế hoạch phù hợp.