Bình Dương quy hoạch 4 dự án cảng dọc sông Sài Gòn
Nhiều dự án đô thị cảng, logistics và dịch vụ sẽ được đầu tư xây dựng dọc sông Sài Gòn theo tuyến Vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; trong đó, có dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng...
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 TP.HCM - khu số 1 thuộc thành phố Bến Cát có tổng diện tích khoảng 2.700 ha, với 10 khu đô thị và 4 cảng.
Theo quyết định này, khu vực phát triển đô thị dọc tuyến Vành đai 4 TP.HCM - khu số 1, thành phố Bến Cát gồm 3 nhóm dự án, là phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội khung, và phát triển đô thị.
Quần thể phức hợp khu đô thị cảng - logistic - dịch vụ nói trên được xem là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và cửa ngõ kết nối với TP.HCM qua tuyến giao thông Vành đai 4 TP.HCM; trong đó sẽ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng.
Khu vực được quy hoạch thuộc các phường An Tây, An Điền và xã Phú An. Khu vực có địa giới gồm: Phía bắc giáp xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng); phía nam và phía tây giáp sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP.HCM); phía đông giáp các tuyến đường ĐH 609, ĐT 744, ĐT 748 và sông Thị Tính (phường Thới Hòa, thành phố Bến Cát).
Tại phường An Tây sẽ xây dựng 3 cảng gồm cảng An Tây, diện tích 100 ha, vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, khung thời gian từ năm 2025 - 2030; cảng Rạch Bắp diện tích 8,51 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian đầu tư năm 2027 - 2040; cảng An Điền diện tích 7,5 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, đầu tư từ năm 2027 - 2040. Tại xã Phú An đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa Cái Lăng với diện tích 2,6 ha, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ năm 2027 - 2040. Các dự án đều được tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư.
Tỉnh Bình Dương đã sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư các dự án nói trên. Theo đó, nhóm hạ tầng kỹ thuật khung với 4 dự án cảng khoảng 3.406 tỷ đồng; nhóm phát triển đô thị khu số 1 dự kiến khoảng 130.327 tỷ đồng… Nguồn vốn để đầu tư gồm ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa, phát hành trái phiếu, vốn huy động đầu tư các dự án phát triển đô thị và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều 207 km, đi qua 5 địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An, trong đó đoạn đi qua Bình Dương dài 47,5 km. Riêng đoạn đi qua khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Mỹ Phước 4 (các phường Chánh Phú Hòa và Thới Hòa, thành phố Bến Cát), dài 8 km đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác trước đó.
Tỉnh Bình Dương là địa phương có lợi thế để phát triển logistics với ga đường sắt, hệ thống đường bộ kết nối liên vùng và luôn nằm trong “top” đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với 30 khu công nghiệp, tổng diện tích lên đến 12.670,5 ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,4%. Ngoài ra, Bình Dương còn có 12 cụm công nghiệp với quy mô 790 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 67,4%.