Bình Dương thu hút gần 4.300 dự án FDI
Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP.HCM và Hà Nội….
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và bổ sung tại Bình Dương đạt hơn 341 triệu USD. Trong đó, phần lớn nguồn vốn FDI tập trung vào hệ thống các khu công nghiệp, đạt hơn 290 triệu USD.
Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP.HCM và Hà Nội.
Hiện nay, tính riêng các khu công nghiệp tại Bình Dương có 3.128 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 2.448 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 29,6 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 93.847 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp đã cho thuê hơn 285.700 m2 đất công nghiệp và hơn 64.200 m2 nhà xưởng trong những tháng đầu năm nay. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã cho thuê 7.067,49ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,67%.
Một trong những khu công nghiệp thế hệ mới là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3), thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, khu công nghiệp này có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.
VSIP 3 có quy mô 1.000ha và ưu tiên cho 7 ngành công nghiệp chính: điện tử, sản xuất ôtô, chế tạo cơ khí, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.
Gần đây, Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng nhà máy chế tác trang sức cao cấp tại Bình Dương.
Trước đó, Tập đoàn Lego cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em.
Song song với việc tích cực đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, tỉnh Bình Dương luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các địa phương nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Theo ông Phạm Trọng Nhận, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào Bình Dương như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ...
Vừa qua, sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2024" đã diễn ra tại Bình Dương. Đây dịp để các địa phương phía Nam và tỉnh Bình Dương nói riêng cùng các đối tác Hàn Quốc đánh giá kết quả hợp tác.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động ngoại giao kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hàn Quốc đứng thứ 5 về vốn đầu tư với gần 800 dự án có tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ USD.
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 13 địa phương nước ngoài, trong đó có hai địa phương của Hàn Quốc là thành phố Daejeon từ năm 2005 và quận Gangnam (thành phố Seoul) vào đầu năm 2022.
Ở cấp địa phương, ba thành phố của tỉnh Bình Dương là Bến Cát, Thủ Dầu Một và Dĩ An đã ký kết hợp tác hữu nghị với các địa phương của Hàn Quốc, mở rộng hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa, du lịch thông qua thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp hai bên. Qua đó, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ, giao lưu trên nhiều lĩnh vực với Hàn Quốc.
Những lĩnh vực trọng điểm mà doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư như sản xuất vỏ xe ô-tô, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chính xác, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, may mặc và da giày.
Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương, như: Tập đoàn Kumho Asiana đầu tư nhà máy sản xuất vỏ xe ô-tô; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm Orion Vina đầu tư nhà máy sản xuất bánh kẹo; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panko Vina đầu tư vào lĩnh vực dệt may; Công ty Trách nhiệm hữu hạn KyungBang Việt Nam đầu tư lĩnh vực sản xuất sợi, vải;...