Blog chứng khoán: Chốt lời nhẹ, cầu ngoại sẽ là lực hỗ trợ
Nhu cầu chốt lời ngắn hạn có tín hiệu tăng lên ở vùng giá thấp trong phiên cuối tuần, nhưng chưa đủ nặng để tạo biến động lớn. Sau vài phiên tăng và biên lợi nhuận tốt, lượng bán tăng là bình thường. Điều cần chú ý là bên bán chọn giá nào và quy mô lớn hay không...
Nhu cầu chốt lời ngắn hạn có tín hiệu tăng lên ở vùng giá thấp trong phiên cuối tuần, nhưng chưa đủ nặng để tạo biến động lớn. Sau vài phiên tăng và biên lợi nhuận tốt, lượng bán tăng là bình thường. Điều cần chú ý là bên bán chọn giá nào và quy mô lớn hay không.
Nếu có kỳ vọng tốt thì bên bán thường chọn cách dỡ dần vị thế theo nhiều đợt và chọn giá bán tùy vào cung cầu tại thời điểm giao dịch. Giá giảm sẽ không khuyến khích bán nhiều trong tình huống như vậy vì “cửa” tăng tiếp vẫn còn. Vì vậy thị trường lùi lại cũng là một cơ hội để “test cung” ngắn hạn.
Thị trường giảm nhẹ ở cả cổ phiếu lẫn chỉ số hôm nay không có gì xấu. Cung cầu đều thoải mái để các bên lựa chọn. Vì thế đi ngang hẹp với biên độ giảm nhẹ cùng với thanh khoản giảm là tốt. Khi thị trường tăng mạnh, áp lực bán có thể rõ nét hơn. Cho tới khi thị trường mở biên độ đủ lớn, giả định rằng bên cầm cổ vẫn sẽ “chắc tay” và lượng bán ít.
Lực cầu từ khối ngoại đang là yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn và hiệu ứng sẽ tốt khi có sự ủng hộ từ phía người cầm cổ. Chiều nay khối ngoại mua mạnh hơn, tập trung vào blue-chips và nâng được giá lên khá nhiều. Nếu có giao dịch đầu cơ ăn theo đợt mua này của ETF thì lượng hàng này vẫn sẽ được giữ lại vì đợt mua chưa kết thúc. Tuy nhiên cũng phải lưu ý nếu vốn ngoại vào mạnh mà thanh khoản tăng không bao nhiêu, tức là không có thêm nhiều vốn nội mới. Hệ quả này sẽ ảnh hưởng tới thị trường sau đó. Hoặc, thanh khoản tăng đột biến mà giá không có tiến triển, tức là người cầm cổ tranh thủ cầu ngoại để phân phối ngắn hạn.
Hiện tại thanh khoản trung bình ở các phiên giảm khoảng 7-8k tỷ, mức cao khoảng 10-11k tỷ. Vì vậy giao dịch đột biến quá 15k tỷ thì nên thận trọng quan sát hướng đi của giá.
Vẫn giữ quan điểm rằng nhịp nảy ngắn hạn này vẫn còn dư địa chút nữa. Tuy nhiên không nhất thiết phải mua thêm, chứ đừng nói là mua đuổi. Để tận dụng nhịp tăng của thị trường cơ sở mà phòng ngừa rủi ro tốt hơn thì nên Long phái sinh. Tuần tới F1 sẽ đáo hạn và OI vẫn đang duy trì rất cao. Các vị thế Long mở mới từ đầu tháng 3 tới nay vẫn đang có lời.
Thị trường phái sinh hôm nay khó giao dịch, cả buổi sáng dù xu hướng chính là giảm, nhưng F1 lại chiết khấu rộng nên Short không có điểm vào. VN30 các lần va chạm với 1042.xx và nảy lại đều tạo điểm Long, nhưng F1 quá thận trọng, basis chiết khấu rộng nên hiệu quả rất thấp. Biên độ tăng rộng nhất của VN30 là buổi chiều, VN30 lên sát 1050.xx nhưng F1 vẫn chiết khấu. Thậm chí phản ứng trên thị trường phái sinh khi VN30 va chạm vào 1050.xx lại quá nhạy, muốn đóng vị thế cũng phải chịu chiết khấu rộng. Điểm Long hiệu quả duy nhất là nhịp ép trụ cuối cùng khi F1 bị Short hoặc Long cover quá đà xuống tận dưới 1035.xx trong khi VN30 còn không thủng 1042.xx.
Thị trường cơ sở hôm nay diễn biến khá tốt trong bối cảnh sức ép bên ngoài. Cơ hội đi tiếp vẫn còn. Chiến lược vẫn là ưu tiên canh Long, nếu Short phải có setup chuẩn và đánh ngắn.
VN30 chốt hôm nay tại 1047.2. Cản gần nhất phiên tới là 1050; 1057; 1064; 1074; 1082; 1089; 1094. Hỗ trợ 1044; 1035; 1025; 1019; 1009; 1005.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.