Blog chứng khoán: Dòng tiền quá mạnh, cổ phiếu khỏe hơn chỉ số
Không thể nhìn chỉ số để đánh giá phiên giao dịch hôm nay vì rất nhiều mã tăng rất khỏe bất chấp VNI hay VN30 không tăng được bao nhiêu. Thanh khoản lên mức rất cao với nhóm bất động sản hút dòng tiền dữ dội, nhưng các trụ như VIC, VHM lại quá yếu. Trung bình 11 phiên gần đây 2 sàn khớp xấp xỉ 24k tỷ/ngày, gần tương đương với giai đoạn đạt đỉnh tháng 9 năm ngoái...
Không thể nhìn chỉ số để đánh giá phiên giao dịch hôm nay vì rất nhiều mã tăng rất khỏe bất chấp VNI hay VN30 không tăng được bao nhiêu. Thanh khoản lên mức rất cao với nhóm bất động sản hút dòng tiền dữ dội, nhưng các trụ như VIC, VHM lại quá yếu. Trung bình 11 phiên gần đây 2 sàn khớp xấp xỉ 24k tỷ/ngày, gần tương đương với giai đoạn đạt đỉnh tháng 9 năm ngoái.
Để có được mức thanh khoản cực cao như vậy thì chắc chắn phải có rất nhiều người bán ra chốt lời, chỉ có điều mua vào cũng cực khỏe. Tuy VNI mới nhú qua đỉnh tháng 9/2023 vài điểm nhưng rất nhiều mã đã tăng vượt đỉnh này. Việc nhà đầu tư chốt lời cũng là bình thường.
Chuỗi phiên tranh chấp cung cầu trên nền thanh khoản cực cao này khó kéo dài. Ở chiều tăng của sóng hiện tại từ đầu tháng 12/2023 đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, thanh khoản trung bình 48 phiên vào khoảng 15.893 tỷ đồng/ngày, nghĩa là hơn chục phiên gần đây thanh khoản đã tăng gấp rưỡi. Đây có thể là hệ quả của dòng tiền mới bị kích thích gia nhập thị trường, cũng có thể bao gồm cả khả năng gia tăng sức mua nhờ giá trị cầm cố tăng theo giá cổ phiếu.
Nói chung tiền còn nhiều thì khả năng duy trì sức mua vẫn được đảm bảo, nhất là những người lỡ bán sớm sẽ chịu sức ép về tâm lý mà quay lại. Việc nhìn chỉ số để quyết định lúc này là khó, vì biên độ ở cổ phiếu cụ thể lớn hơn nhiều so với chỉ số. Chừng nào các trụ dù không tăng nhiều nhưng giữ được ổn định chỉ số thì các cổ phiếu riêng lẻ vẫn còn dư địa tăng nữa nhờ dòng tiền lớn. Tín hiệu suy yếu ở các mã đơn lẻ sẽ là giá lình xình ở vùng cao trên nền thanh khoản rất lớn nhiều ngày. Khi đó nên chốt lời và đảo sang các mã khác. Chỉ nên quan tâm tới chỉ số nếu xuất hiện các trụ đồng loạt giảm mạnh và VNI mất điểm ở mức gây bất ngờ vì khi đó rất dễ có hiện tượng xả đồng loạt do “sức nặng” cổ phiếu đang tích tụ quá lớn.
Việc các trụ suy yếu khiến VN30 dao động khó chịu và không có quán tính nên phái sinh giao dịch phập phù. Do trọng số vốn hóa khác VNI nên VN30 hôm nay chỉ có MWG là nổi bật, CTG hỗ trợ một chút. MWG cũng chỉ từ 1h45 trở đi mới được kéo lên đột ngột còn CTG tuy nhịp tăng từ 11h sáng nhưng tác động rất hạn chế.
VN30 hôm nay có 2 vùng dao động dự kiến là từ 1268.xx tới 1275.xx và từ 1268.xx xuống 1261.xx. Giao dịch lình xình ở trụ đã không đẩy quán tính rõ ràng trong khi F1 lại phản ứng basis ngược nên biên lợi nhuận rất nhỏ. Lúc VN30 thủng 1268.xx buổi sáng thì basis dương và VN30 cũng chỉ tới 1263. Chiều lên thì basis lại đảo âm, khi MWG kéo VN30 lên 1275.xx thì F1 tăng rất ít.
Không có trụ dẫn nên VN30 vẫn tiếp tục lình xình quanh vùng đỉnh tháng 9/2023 sang phiên thứ 3 liên tục. Thanh khoản rổ VN30 khoảng 9,4k tỷ hôm nay thì gần một nửa tâp trung vào SSI, HPG, MWG, MBB, CTG, STB và chỉ có MWG, CTG là tăng rõ, SSI, HPG, STB giảm. Nói đơn giản thì hiệu ứng dòng tiền tổng thể của VN30 không rõ rệt, dù chỉ số bị ép tụt khỏi đỉnh khoảng -0,54% nhưng cổ phiếu trong rổ bình quân bị ép tới -1,2%, tức là có tín hiệu xả ở vùng cao. Ngay cả BCM, CTG, MWG, GVR là các mã đóng cửa còn tăng tốt thì cũng đã hạ độ cao intraday đáng kể. Cơ hội bứt phá của VN30 là không cao, nên Long/Short linh hoạt.
VN30 chốt hôm nay tại 1268.53, ngay tại một mốc. Cả kế tiếp ngày mai là 1276; 1281; 1290. Hỗ trợ 1261; 1256; 1250; 1245; 1240; 1233.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.