Blog chứng khoán: Tiền nội không vào
Lực cầu từ các quỹ ETF khá mạnh hôm nay không tạo được hiệu ứng rõ ràng nào lên giá. Thị trường chủ đạo đi ngang với biên độ hẹp với giao dịch khớp lệnh chưa tới 10k tỷ. Như vậy vốn nội vẫn khá yếu và chủ đạo là hàng lướt sóng ngắn hạn đang chốt lời...
Lực cầu từ các quỹ ETF khá mạnh hôm nay không tạo được hiệu ứng rõ ràng nào lên giá. Thị trường chủ đạo đi ngang với biên độ hẹp với giao dịch khớp lệnh chưa tới 10k tỷ. Như vậy vốn nội vẫn khá yếu và chủ đạo là hàng lướt sóng ngắn hạn đang chốt lời.
Thị trường đã có 3 phiên đi ngang dao động hẹp với mức thanh khoản trung bình. Điều cần lưu ý là trong tổng thanh khoản đó, thị phần của vốn ngoại tăng lên mạnh. Trong hai tuần trước, tỷ trọng mua của khối ngoại với cổ phiếu HSX khoảng 10,2%/phiên, hôm nay tăng lên 15,5%. Nước ngoài tăng mua là bình thường vì các quỹ ETF đang giao dịch mạnh, nhưng rõ ràng là điều này không khuyến khích được dòng vốn trong nước tăng theo.
Giai đoạn từ tháng 11/2022 đến tháng 2/2023 khối ngoại mua ròng rất lớn, thị phần trung bình cũng 12-14%/ngày, nhưng cũng không lôi kéo được cầu nội. Sau khi dòng vốn ngoại hạ nhiệt, thị trường thiếu lực rõ rệt và từ từ trượt dốc với thanh khoản thấp sau đó. Nói chung thị trường cần đi bằng hai chân!
Tính riêng với cổ phiếu, biên độ giảm phiên này cũng khá mạnh, chỉ có chỉ số là đi ngang, VN30 còn tăng. Dòng vốn ngoại chiếm thị phần rất lớn trong nhóm blue-chips VN30 thể hiện rõ nhất lực đỡ này. Giao dịch ở các nhóm cổ phiếu còn lại yếu hơn, lực bán ngắn hạn ép giá thấy rõ. Dù vậy chừng nào chỉ số vẫn được đỡ thì tâm lý chung vẫn còn ổn định.
Vẫn giữ quan điểm thị trường đang giằng co, không xấu, nhưng thiếu lực. Vì vậy các giao dịch ngắn hạn không nên mua thêm mà canh chốt lời. Ngay cả khi thị trường thật sự mạnh và tăng cao hơn, đó là câu chuyện khác, còn một thương vụ đầu cơ sẽ chỉ bó gọn trong gia đoạn bắt đáy và chốt sao cho có lời. Sự nhập nhằng giữa đầu cơ với nắm giữ dài hạn có những thời điểm đem lại lợi ích bất ngờ, nhưng trong suốt cuộc đời giao dịch, đó là cái bẫy dễ tạo thua lỗ nhất.
Khi không mua thêm với cổ phiếu thì dao động của thị trường tăng hoàn toàn có thể được tận dụng bằng Long phái sinh. Tuy nhiên hôm nay giao dịch cũng không dễ, thậm chí buổi chiều rất nhập nhằng, biến động quá nhanh.
Ban đầu F1 đảo basis dù VN30 giảm dưới hiệu ứng cuối tuần qua trên thị trường Mỹ. Việc đảo basis là một tín hiệu cho thấy quan điểm không lo lắng về nhịp giảm trên cơ sở nhưng cũng gây bất lợi cho Long. Điểm Long tốt nhất phiên là khi VN30 test 1044.xx và nảy lên 1050.xx. Các nhịp nỗ lực vượt 1050.xx không có lực, cản cao hơn ở 1057.xx không tới và giao dịch khó, chỉ chậm chút là mất lãi.
Buổi chiều các nhịp đánh võng cực nhanh quanh 1050 rất khó chơi, tăng thì không tới ngưỡng mà giảm cũng lửng lơ. HPG và VHM bị quét qua nhiều bước giá bằng các lệnh vừa đủ trên cả hai chiều khiến VN30 dao động nhanh. Nói chung cả Long lẫn Short dễ chết trong đoạn này.
Thị trường cơ sở hiện đang dùng dằng đi ngang, cầu ngoại là một biến số lúc này. Dù áp lực chốt lời ngắn hạn rất rõ, nhưng chỉ số VN30 lại là câu chuyện khác để giao dịch phái sinh. Chiến lượng là canh chốt cổ phiếu, Long/Short linh hoạt ngắn với phái sinh. Quan sát F2 đang chiết khấu và nước ngoài thường đảo kỳ hạn bằng Short mạnh F1 và Long F2.
VN30 chốt hôm nay tại 1050.07, ngay tại một mốc. Cản kế tiếp ngày mai là 1057; 1064; 1073; 1082. Hỗ trợ 1044; 1035; 1025; 1019; 1013; 1005.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.