Blue-chips đảo chiều cả loạt, vốn ngoại ép giá VCB
Dù phiên chiều dòng tiền không tăng ồ ạt nhưng nhà đầu tư đã nâng giá mua trên diện rộng, đẩy giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao hơn. Lực bán tiếp tục lép vế, trừ số ít blue-chips vẫn đang tác động điều tiết hãm đà đi lên của chỉ số...
Dù phiên chiều dòng tiền không tăng ồ ạt nhưng nhà đầu tư đã nâng giá mua trên diện rộng, đẩy giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao hơn. Lực bán tiếp tục lép vế, trừ số ít blue-chips vẫn đang tác động điều tiết hãm đà đi lên của chỉ số.
VCB rất yếu chiều nay, trở thành cổ phiếu “ngáng đường” đối với VN-Index lẫn VN30-Index. Đóng cửa VCB giảm tới 3,68%, phá đáy ngắn hạn 5 phiên trước và khiến VN-Index mất tới 3,6 điểm.
Ngay từ sáng VCB đã là cổ phiếu tiềm năng “phá đám” cơ hội phục hồi ở chỉ số, khi giảm tới 1,9%. Chiều nay lực bán càng mạnh ở mã này khiến giá rơi sâu thêm 1,82% nữa. Chỉ riêng thanh khoản buổi chiều của VCB đã lên tới 133,5 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giao dịch buổi sáng. Nhà đầu tư nước ngoài xả áp đảo ở VCB là một trong những nguyên nhân khiến lực bán tăng vọt. Tổng lượng bán ra đạt 1,96 triệu cổ, tương đương 82% thanh khoản của VCB trong ngày. Giá trị bán ròng tương ứng khoảng 95 tỷ đồng.
VCB giảm sâu nhưng không phải là mã đại diện cho diễn biến cả nhóm ngân hàng. Thêm MBB và SHB giảm giá chiều nay, nhưng phần còn lại của nhóm lại tăng rất tốt. KLB kịch trần, VPB có phiên chiều bùng nổ xuất sắc, khi đóng cửa trên tham chiếu 2,5%, nghĩa là riêng chiều nay tăng thêm 1,93% so với giá cuối phiên sáng. BID cũng bùng mạnh ngay khi thị trường mở cửa trở lại và tăng thêm 1,81% so với phiên sáng, chốt trên tham chiếu 1,94%. Cả nhóm ngân hàng có 11/27 mã đóng cửa vượt tham chiếu tối thiểu 1%.
Đà phục hồi giá xuất hiện trên diện khá rộng, khi độ rộng của VN-Index đến cuối ngày đã có 272 mã tăng/166 mã giảm, ngược hoàn toàn so với phiên sáng với 167 mã tăng/263 mã giảm. Chỉ số chính chốt ngày tăng 0,45% tương đương 6,49 điểm. Ảnh hưởng quá lớn của VCB giảm 3,68% và SAB giảm 1,75% là khá lớn khi để mất trên 4 điểm.
Dù vậy tổng thể thị trường vẫn được dẫn dắt nhờ đà hồi của nhóm blue-chips. VN30 kết phiên cũng có 18 mã tăng/8 mã giảm. Nếu so với giá cuối phiên sáng thì rổ này có 21/30 mã tăng cao hơn, chỉ 7 mã tụt giá. VPB, BID là hai đại diện tăng giá mạnh mẽ của nhóm blue-chips này.
Ngoài ra còn khá nhiều cổ phiếu đảo chiều rực rỡ đáng chú ý. GAS cũng là một nhân tố tích cực, khi cuối phiên sáng giá còn đang rơi 1,6% so với tham chiếu thì đóng cửa đảo ngược thành tăng 1,89%. Như vậy chỉ riêng buổi chiều GAS biến động tăng tới 3,54%. MSN cũng là cổ phiếu thay đổi chóng mặt, giá đi lên thêm khoảng 3,14% trong buổi chiều và đóng cửa trên tham chiếu 3,67%. PNJ, POW là hai cổ phiếu khác nhảy giá riêng phiên chiều 3-4% và đều tăng cực mạnh so với tham chiếu.
Giá cổ phiếu lẫn các chỉ số rõ ràng thể hiện một phiên chiều khá mạnh mẽ. Tuy vậy thanh khoản chiều nay lại không đột biến, thậm chí hơi đuối. Sàn HoSE ghi nhận gần 8.534 tỷ đồng khớp lệnh buổi chiều, giảm 28% so với phiên sáng. Tuy nhiên giá vẫn tăng tốt cho thấy nhà đầu tư đã không bán ra thêm ở vùng giá thấp, trong khi người mua vào đã nâng giá lên.
VN30-Index hưởng lợi lớn từ đà phục hồi của nhóm blue-chips, đóng cửa tăng 0,53%. “Công lớn” nhất lại là do chỉ số này điều chỉnh vốn hóa của VCB và SAB. VCB chỉ lấy đi chưa tới 1,7 điểm ở chỉ số này trong khi SAB khoảng 0,2 điểm, do VCB chỉ đứng thứ 16 về vốn hóa còn SAB đứng thứ 24. Ngược lại, các mã bùng nổ buổi chiều như VPB, MSN, PNJ lại có ảnh hưởng lớn.
Nhờ mức tăng tốt, VN30-Index lại giữ được đáy ngắn hạn hồi tháng 12/2021 và tháng 1/2022.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ra hạ nhiệt một chút, khi mức ròng ở HoSE còn 433,3 tỷ đồng. Ngoài VCB, có HPG -116 tỷ, VIC -95 tỷ, VHM -91 tỷ, NVL -89 tỷ, SSI -74 tỷ, MSN -72 tỷ, DXG -64 tỷ đồng là đáng kể. Phía mua ròng có STB +124 tỷ, VPB +67 tỷ, VJC +65 tỷ... Dù bán ròng có phần giảm đi nhưng đây vẫn là phiên bán ròng thứ 7 liên tục với cổ phiếu HoSE, với giá trị rút ròng tới trên 5.774 tỷ đồng.