Blue-chips kìm điểm số, cổ phiếu phân hóa tích cực
VN-Index dao động chập chờn trong phiên sáng nay và chốt tăng yếu 1,07 điểm (+0,1%) nhưng độ rộng duy trì mức phân hóa tích cực cho thấy ảnh hưởng chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản duy trì tương đương sáng hôm qua và khối ngoại bước sang phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp...
VN-Index dao động chập chờn trong phiên sáng nay và chốt tăng yếu 1,07 điểm (+0,1%) nhưng độ rộng duy trì mức phân hóa tích cực cho thấy ảnh hưởng chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản duy trì tương đương sáng hôm qua và khối ngoại bước sang phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp.
Nếu chỉ nhìn vào điểm số thì thị trường vẫn đang tỏ ra yếu ớt. Tuy nhiên cổ phiếu cụ thể lại đang có chuyển biến khả quan. Kể từ đầu tuần tới nay VN-Index lao dốc liên tục hơn 32 điểm nhưng cổ phiếu đã bắt đầu phân hóa tăng giảm. Sáng nay sàn HoSE chứng kiến 235 mã tăng/227 mã giảm, thậm chí ngay trong rổ VN30 cũng có 17 mã tăng/8 mã giảm. Chỉ có điểm số là yếu.
Điều này xác nhận ảnh hưởng chủ đạo tới VN-Index đang là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Trong 10 mã có khả năng tác động chỉ số, VCB, VPB tham chiếu, GAS giảm 0,13%, VHM giảm 3,46%, VIC giảm 1,36%, CTG giảm 0,9%. Số tăng có BID tăng 1%, VNM tăng 1,47%, HPG tăng 1,74%, FPT tăng 0,72%. Chỉ riêng mức giảm rất mạnh của VIC và VHM đã khiến VN-Index mất hơn 2 điểm. Ngoài ra MWG tuy không thuộc nhóm vốn hóa hàng đầu nhưng mức giảm sâu 5,84% cũng lấy đi 0,8 điểm.
VN30-Index khá hơn, đang tăng 0,33% so với tham chiếu. Chỉ số này hạn chế đáng kể ảnh hưởng từ VIC và VHM, đồng thời có được sức mạnh của HPG tăng 1,74%, SSI tăng 3,69%, TCB tăng 1,44%, VJC tăng 3,13%, VNM tăng 1,47%. 5 mã này có ảnh hưởng khá hạn chế đối với VN-Index.
Dù sao điểm số lúc này cũng không quan trọng bằng độ rộng. Khi thị trường lao dốc, yếu tố đầu tiên thường được chú ý là điểm số của VN-Index, nhưng thực tế tín hiệu cân bằng sớm hơn chính là mức độ phân hóa ở cổ phiếu. Nhịp điều chỉnh sâu sẽ kích thích dòng tiền bắt đáy cũng như khả năng chịu đựng của nhà đầu tư với từng cổ phiếu là khác nhau. Dòng tiền sẽ lựa chọn các mã được quan tâm để mua, chứ không mua chỉ số VN-Index.
Mặc dù độ rộng thể hiện số lượng cổ phiếu tăng giá và giảm giá trong VN-Index không quá chênh lệch, nhưng thanh khoản ở nhóm tăng chiếm 62,4% tổng giá trị khớp của HoSE, trong khi thanh khoản nhóm giảm chỉ chiếm 32,7%. Top 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất sàn này cũng có 7 mã giảm, nhưng tới 13 mã tăng.
Giao dịch sôi động nhất vẫn đang là các mã chứng khoán và bất động sản. SSI tăng 3,69% với 484,8 tỷ đồng thanh khoản, dẫn đầu thị trường. VND thứ hai với 256,2 tỷ đồng, giá tăng 3,68%. VIX thứ 4 với 226,8 tỷ giá tăng 2,07%. VCI thứ 8 với 157,9 tỷ giá tăng 5,06%. Nhóm bất động sản cũng có thanh khoản cao nhưng giá yếu hơn: DIG với 213,1 tỷ giá giảm 0,5%; PDR với 193,4 tỷ giá giảm 4,06%; DXG với 135,1 tỷ giá giảm 2,1%; VHM với 119,1 tỷ giá giảm 3,46%... Chỉ số đại diện nhóm bất động sản sàn HoSE là VNREAL đang giảm 1,41% trong khi chỉ số đại diện nhóm tài chính VNFIN tăng 0,88%.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng chỉ tăng nhẹ gần 3% so với sáng hôm qua, đạt 6.041 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng không đáng kể, đạt gần 5.235 tỷ đồng. Mức giao dịch này không lớn, nhưng độ rộng cho thấy sự phân hóa tích cực nghĩa là nhu cầu bán không đủ để tạo sức ép. Dĩ nhiên thị trường mới trải qua phiên sáng, còn phiên chiều một lượng hàng mới về có khả năng thay đổi tình thế.
Trong nhiều phiên gần đây áp lực bán thường tăng lên về chiều. Tuy nhiên với tình hình phân hóa ở giá cổ phiếu đang diễn ra tốt hơn, xác suất thua lỗ khi bắt đáy có xu hướng giảm đi, thậm chí nhiều mã còn có lãi nhẹ. Nếu thị trường tiếp tục duy trì được trạng thái phân hóa, sức ép tổng thể ở các phiên chiều sẽ dần dần suy yếu.
Khối ngoại sáng nay có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với 184,2 tỷ đồng trên HoSE. Sáng hôm qua khối này mua ròng 177,5 tỷ. Giao dịch bán ròng mạnh chỉ xuất hiện chủ yếu ở MWG -76,7 tỷ và VHM -59,2 tỷ. Phía mua có SSI +58,5 tỷ, VCI +50 tỷ, VND +37,6 tỷ, HPG +36,5 tỷ, HCM +18,9 tỷ.