Bộ Nông nghiệp “thúc” các đơn vị trong ngành khẩn trương tái cơ cấu
Bộ Nông nghiệp yêu cầu sớm xác định thời điểm xác định giá trị cổ phần hóa hoặc giải thể Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản nông nghiệp
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tái cơ cấu doanh nghiệp do Bộ làm đại diện chủ sở hữu, trong đó, Tổng công ty Rau quả, Nông sản phải hoàn thành chuyển sang công ty cổ phần trong quý 1/2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tái cơ cấu doanh nghiệp năm 2018, kế hoạch 2019 - 2020.
Theo đó, năm 2018, Bộ đã cơ bản hoàn thành công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao các doanh nghiệp theo kế hoạch, trong đó hoàn thành công tác cổ phần hóa chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cùng 20 công ty con, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam sang công ty cổ phần.
Đây là 2 doanh nghiệp có quy mô lớn về tài chính, đất đai, lao động… trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp có nhiều tồn tại về tài chính cần phải xử lý để có thể cổ phần hóa thành công.
Trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp cũng đã tổ chức bán đấu giá công khai và hoàn thành việc thoái 100% vốn nhà nước tại Tổng công ty Mía đường II. Thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu 5 doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
"Hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm cao su, lúa gạo, cà phê… sụt giảm. Tuy vậy, các doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh có lãi, trong đó có những đơn vị đạt hiệu quả kinh doanh cao như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho biết.
Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc cơ quan này vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Ví như một số địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa; kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chưa đạt theo đúng kế hoạch đề ra. Việc quyết toán vốn nhà nước lần 2 tại một số đơn vị còn chậm.
Từ đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu.
Các đơn vị cần sớm hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần đối với Tổng công ty chè Việt Nam; Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; riêng Tổng công ty Rau quả, Nông sản phải hoàn thành trong quý 1/2019.
Các đơn vị cũng sớm xác định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long; xây dựng phương án tái cơ cấu đối với Công ty Agrexport Hà Nội; cổ phần hóa hoặc giải thể Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản nông nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh bán vốn đầu tư của nhà nước công khai, minh bạch theo đúng quy định đối với Công ty cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco và Vetvaco.
Trong năm 2019 - 2020, đơn vị này sẽ hoàn thành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nông nghiệp sẽ rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
"Trước mắt, Bộ sẽ thực hiện thí điểm việc cổ phần hóa Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn máy thiết bị nông nghiệp và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm phân bón quốc gia. Đồng thời, sắp xếp, tổ chức lại 2 bán quản lý dự án Thủy lợi 3 và Thủy lợi 5 thành doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh.