Bổ sung nhiều quy định mới nâng chất, ngăn tình trạng "ép" khách hàng mua bảo hiểm
Nhiều yêu cầu mới đặt ra với đại lý bảo hiểm, đặc biệt là ngân hàng khi bán chéo bảo hiểm được lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm lưu ý khi thực thi Thông tư số 67 từ đầu tháng 11. Nhờ đó, nâng cao chất lượng tư vấn, tránh việc “ép” khách hàng tham gia bảo hiểm...
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Thông tư số 67).
Thông tư số 67 gồm 7 chương, 62 điều và 13 phụ lục nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, Thông tư số 67 đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm nói chung và tư vấn bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nói riêng.
QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ, MINH BẠCH KHI BÁN BẢO HIỂM QUA NGÂN HÀNG
Phân tích rõ hơn những nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chú trọng phát triển về chiều sâu, trao đổi với báo chí mới đây, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết Thông tư số 67 tăng cường tính minh bạch trong hoạt động đại lý, đặc biệt là hoạt động đại lý thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, thứ nhất, về tư vấn sản phẩm bảo hiểm.
“Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng”, ông Trung nêu rõ.
Thông tư số 67 cũng đưa ra quy định yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Bởi đây là sản phẩm khá phức tạp, có yêu cầu cao về nhận thức và tài chính của người tham gia.
“Chúng tôi mong muốn chất lượng tư vấn được nâng cao, tránh việc tư vấn viên “ép” khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm không đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Đồng thời, trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp".
Thông tư số 67 cũng quy định các ngân hàng hoạt động đại lý phải tư vấn rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.
Để tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Thông tư số 67 quy định các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Đồng thời, phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý.
Quy trình này phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay.
Theo quy định tại Thông tư số 67, tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
NGĂN "MẬP MỜ" THÔNG TIN
Nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng, cũng như để doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý trong việc tư vấn và giao kết hợp đồng với khách hàng, ông Ngô Việt Trung cho biết Thông tư số 67 yêu cầu rõ về các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm để giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước khi quyết định giao kết hợp đồng…
Thời gian cân nhắc 21 ngày tham gia bảo hiểm được xác định kể từ khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã nhận được các tài liệu nêu trên.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng, Thông tư số 67 quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm.
KỊP THỜI XỬ LÝ KHIẾU NẠI, XỬ NGHIÊM ĐẠI LÝ VI PHẠM
Về phía doanh nghiệp, Thông tư số 67 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý, kịp thời phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có).
Về hoa hồng, theo Thông tư số 67, hoa hồng đại lý bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp được điều chỉnh tăng. Đồng thời thay đổi tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất của bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị. Việc phân bổ thời gian chi trả hoa hồng dài hơn, nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác và duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, bổ sung giới hạn đối với chi phí thưởng, hỗ trợ đại lý nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới phát triển chất lượng hơn là tập trung vào số lượng.
Về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, theo thông tin từ ông Ngô Việt Trung, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, đảm bảo hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được đồng bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật khác liên quan, thực tiễn thị trường và quản lý chặt chẽ lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
“Chúng tôi dự thảo Nghị định này theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, kể cả phạt bằng tiền, hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm tạo tính răn đe hơn với các hành vi vi phạm”, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.
Với những quy định tổng thể nêu trên, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kỳ vọng trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ minh bạch hóa và nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm nói chung, của các tổ chức tín dụng nói riêng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Số liệu mới công bố của Bộ Tài chính về tổng quan thị trường bảo hiểm Việt Nam 10 tháng của năm 2023 cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 184,8 nghìn tỷ đồng trong khi chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64,9 nghìn tỷ đồng, tăng 35,8%.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 10, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 898,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 754,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%.