Bộ Tài chính: Trên 300 dự án giải ngân ì ạch, nhiều dự án chưa tiêu đồng nào
Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 9/2024, còn 326 dự án sử dụng vốn đầu tư công ngân sách trung ương giải ngân dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng giao tại 56 địa phương. Trong đó, có 82 dự án chưa giải ngân đồng nào...
Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 10657/BTC-ĐT gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc công khai các dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.
Theo đó, để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo chỉ đạo, điều hành tại các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính công khai một loạt danh mục công trình, dự án. Đây là những dự án đầu tư công giải ngân kế hoạch năm 2024 đến ngày 30/9/2024 nguồn vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.
Theo trên, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 nguồn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) do địa phương quản lý là 86.746,6 tỷ đồng, chiếm 90,16% tổng nguồn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực do địa phương quản lý (96.203,4 tỷ đồng).
Đến hết ngày 30/9/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương là 39.890 tỷ đồng, đạt 45,98% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước (47,29%). Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến ngày 30/9, còn 326 dự án giải ngân dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng giao tại 56 địa phương.
Văn bản của Bộ Tài chính
Tuy nhiên, hiện có 82 dự án chưa giải ngân và 5 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Một số dự án đến nay vẫn chưa giải ngân đồng nào có thể kể đến như: dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị; dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức đối tác công tư (PPP); cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, Bệnh viện da liễu tỉnh Nam Định...
Cùng đó, nhiều dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng giải ngân ì ạch. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được bố trí hơn 1.300 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 14%. Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được giao 400 tỷ đồng, hiện giải ngân 27%; tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương giải ngân 18% trong tổng số 350 tỷ đồng được giao.
Đáng nói, nhiều dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải giải ngân đạt thấp. Đơn cử, dự án thành phần 1.1 và 1.3 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô tại địa phận Hà Nội và Bắc Ninh giải ngân đạt 15% và 4%.
Một số dự án khác đạt tỷ lệ giải ngân thấp như: dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đi qua địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai được bố trí vốn 800 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025 đến nay chưa khởi công do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, lại gặp vướng mắc về vốn nên không thể tiếp tục tài trợ vốn cho dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính đề nghị uỷ ban nhân dân cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả các nguồn vốn gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Đồng thời, uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công.
"Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần chủ động rà soát, báo cáo kịp thời phương án điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn".
Bộ Tài chính.
Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi các bộ có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định trước ngày 15/11.
Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 về Quyết định Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, Văn bản số 673/TTg-CN ngày 05/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng đầu tư công, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước được giao.