Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về nguy cơ vỡ quỹ hưu trí tự nguyện?
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/03/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề: trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn hạn chế, mức độ rủi ro thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam còn lớn và có nguy cơ đổ vỡ, dẫn đến mất tiền của nhà đầu tư...
Thông tin về tình hình hoạt động của các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đã được cấp phép, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện có 4 doanh nghiệp tham gia. Đó là Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM); Công ty quản lỹ quỹ đầu tư MB (MBVF); Công ty quản lỹ quỹ SSI (SSIAM) và Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cộng với 10 quỹ đang hoạt động. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiếp nhận một số bộ hồ sơ xin cấp phép thành lập quỹ hưu trí tự nguyện.
Hiện khung pháp lý để triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được ban hành đầy đủ, bao gồm Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về chương trình hưu trí tự nguyện (Nghị định số 88), đã tạo khung khổ pháp lý đối với hoạt động của các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam, góp phần đa dạng hóa các chính sách an sinh xã hội.
Theo quy định tại Nghị định số 88, chỉ có doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện mới được phép tổ chức dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện với các điều kiện cụ thể.
Theo đó, doanh nghiệp thành lập hợp pháp tại Việt Nam và được phép hoạt động trong các lĩnh vực: bảo hiểm nhân thọ, quản lý quỹ. Đối với công ty quản lý quỹ phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quỹ. Tổng giá trị tài sản quản lý tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, đang hoạt động quản lý quỹ mở hoặc quỹ trái phiếu; đồng thời, không phải là tổ chức nằm trong diện đang được tái cơ cấu.
Doanh nghiệp phải có dự thảo điều lệ quỹ đối với mỗi quỹ hưu trí dự kiến thành lập; có hợp đồng nguyên tắc ký kết với tổ chức lưu ký tài sản quỹ hưu trí và ngân hàng giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí và quản trị tài khoản hưu trí cá nhân.
Đồng thời, có phương án kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí; có tối thiểu 5 người lao động có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực quản lý quỹ hưu trí, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quản lý quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, phải có tối thiểu 3 nhân viên nghiệp vụ có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ do Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cấp hoặc là thành viên của Hiệp hội các nhà phân tích tài chính (CFA); có quy trình quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ.
"Hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 và hiện có 10 quỹ do 4 doanh nghiệp quản lý quỹ được cấp phép thành lập với tổng trị giá tài sản đến cuối năm 2023 là 857,9 tỷ đồng".
Báo cáo của Bộ Tài chính.
Theo cập nhật từ các báo cáo phân tích, thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động phức tạp của tình hình địa/chính trị trên thế giới đã thay đổi các nguyên tắc vận hành nền kinh tế và thị trường tài chính của các nước.
Theo đó, hệ thống quỹ hưu trí gặp rất nhiều khó khăn. Giá trị tổng tài sản của nhiều quỹ giảm mạnh do giá trái phiếu Chính phủ giảm mạnh, đây là tài sản đầu tư an toàn và chiếm tỷ trọng lớn của các quỹ.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và trái phiếu khiến tài sản của các quỹ hưu trí toàn cầu giảm 5,9% trong năm 2022, từ 22.100 tỷ USD xuống 20.800 tỷ USD. Tại Anh, ước tính tổng giá trị tài sản của 5.100 quỹ hưu trí trong năm 2022 giảm 24% từ 1,79 nghìn tỷ GBP xuống 1,36 nghìn tỷ GBP, tương đương với mức giảm 425 tỷ bảng Anh (gần 550 tỷ USD).
Còn Quỹ hưu trí toàn cầu chính phủ Na Uy (GPFG), quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, thua lỗ kỷ lục 164,4 tỷ USD trong năm 2022. Quỹ hưu trí tư nhân ATP của Đan Mạch giảm 45% giá trị tài sản trong năm 2022, gây thua lỗ 34 tỷ USD cho những người hưu trí.
Về việc quản lý quỹ ở Việt Nam, Bộ trưởng đồng tình quan điểm của đại biểu tỉnh Tuyên Quang trong việc cần xác định được mức độ rủi ro nếu doanh nghiệp hoặc quỹ bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
“Phải quản lý từ sớm, từ xa, đặc biệt là quản lý rủi ro trong dài hạn. Bởi đối với thị trường này, thời gian tối đa 99 năm nên sẽ có rủi do khi doanh nghiệp và quỹ không bảo toàn được, bị lỗ hoặc phá sản, từ đó, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Do đó, Bộ Tài chính rất thận trọng đối với loại hình đầu tư này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Cũng theo ông Phớc, ngoài 4 doanh nghiệp tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn có 2 doanh nghiệp vốn nhà nước tham gia liên doanh. Tham gia quỹ hưu trí chủ yếu là cán bộ, người lao động trong hệ thống với số lượng trên 5.000 người.
Còn về phía cán bộ bên ngoài và nhân dân chưa tham gia nhiều, vì vậy, với loại hình quỹ này một mặt khuyến khích, một mặt vẫn phải giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia quỹ hưu trí.
Trên cơ sở theo dõi xu hướng tác động lên các quỹ hưu trí tại một số quốc gia trước biến động của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá quy định của pháp luật về hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện để báo cáo Chính phủ trong tổng thể các chính sách bảo hiểm xã hội tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng thận trọng, bảo đảm an toàn, bền vững hệ thống.
Trên cơ sở định hướng chính sách tại cấp luật nêu trên được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 88 để xây dựng, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.