Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép

Thu Hằng
Chia sẻ

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở ngưỡng cho phép. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dù ở mức khá cao, khoảng 7,92%, song con số này có thể chấp nhận được, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình, chiều 4/11...

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình chiều 4/11. Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình chiều 4/11. Ảnh: Quochoi.vn.

Ngày 4/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã lý giải về tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm được nhiều đại biểu quan tâm.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP TẠO VIỆC LÀM ĐỂ GIẢM THẤT NGHIỆP

Đề cập đến tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên, Bộ trưởng cho biết nhìn chung tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. "Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên hiện khoảng 7,92%, mặc dù chưa an tâm nhưng chúng tôi cho rằng đây là con số có thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, nhìn sang các nước Châu Á, Đông Nam Á trong năm nay, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp trong thanh niên xu hướng gia tăng rất nhanh. Bình quân toàn bộ khu vực Đông Nam Á là 9,5%, Brunei là 24%, Timor Leste là 13,3%, Indonesia là 13%, Malaysia là 11%, Philippines là 6,12%, và Trung Quốc hiện nay tỷ lệ này trong độ tuổi 18 đến 24 là 18,8%

Bộ trưởng lý giải có sự gia tăng này đó là do kinh tế thế giới tăng chậm lại, tác động của các yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn. Nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. Do đó, lao động trẻ khó khăn trong thích ứng, rơi vào tinh giản.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ, dẫn đến thiếu việc làm trong thanh niên...

Nêu giải pháp đối với vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần hoàn thiện chính sách pháp luật lao động việc làm, tập trung đào tạo phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp do thanh niên điều hành, khởi nghiệp; thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên. Tiếp nữa là chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo. Triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ lao động trẻ, thiếu việc làm, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển chính sách, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ vay giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để thích ứng vấn đề này.

Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đây là một căn cứ và một giải pháp làm "bà đỡ", không để thanh niên thất nghiệp kéo dài.

Thực hiện nhiều giải pháp để tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: N.Dương.
Thực hiện nhiều giải pháp để tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: N.Dương.

Giải pháp nữa cũng được tính đến là hài hòa giữa lao động trẻ, lao động trong nước với việc tạo điều kiện để thanh niên và lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài, vừa là tạo điều kiện để tăng thu ngoại tệ và tạo việc làm trong tạm thời.

Ngoài ra, ưu tiên việc làm cho thanh niên trong nước, hạn chế lao động ngoài nước, đặc biệt là hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài làm công việc phổ thông mà tập trung tuyển chọn lao động chất lượng cao, nhà quản lý. Chỉ cho phép lao động nước ngoài vào khi công việc đó không tiếp nhận được lao động trong nước.

CHỈ SỐ HẠNH PHÚC TĂNG 11 BẬC

Bên cạnh các giải pháp tạo việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, nhìn chung các chính sách xã hội được triển khai đúng, đủ và kịp thời. Đặc biệt, chính sách về người có công là một trong những chính sách nổi trội, được thực hiện tốt nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo bền vững theo hướng bảo đảm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện một cách có hiệu quả. Tới hết tháng 9 năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm còn ở mức 1,93%, là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ bão liên tiếp xảy ra.

"Lần đầu tiên chúng ta đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra. Điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc - đây là một sự tiến bộ rất lớn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Châu Á được các nước G7 mời đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay.

Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Đối với vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng bên cạnh đào tạo nhân lực đại trà, cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến cuối năm 2025, nằm trong Top 3 các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Muốn như vậy, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung vào 2 đề án lớn, đó là: Đề án về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, và Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Bên cạnh đó, một số vấn đề phải quan tâm khác như: Cần có chính sách hữu hiệu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và khu vực công. Trong đào tạo đại học thì chú trọng nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải lấy tự chủ đại học là khâu đột phá.

Trong giáo dục nghề nghiệp thì tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá.

Bộ trưởng cũng lưu ý 2 vấn đề lớn cần chú trọng bắt đầu từ năm 2025. Một là phải xây dựng chính sách khung, chính sách quốc gia về phòng chống già hóa dân số. Thứ hai là điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. "Đây là vấn đề rất quan trọng và có tính chất chiến lược của chúng ta", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con