Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 6 giải pháp ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến
Lừa đảo trực tuyến hiện nay đang diễn ra trên diện rộng, như một hệ lụy của chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến thời gian qua....
Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
CỬ TRI QUAN TÂM VẤN NẠN LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN ĐANG CÓ CHIỀU HƯỚNG GIA TĂNG
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 6 của Quốc hội. Các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đến Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương rất tích cực giải quyết và trả lời cử tri đạt kết quả rất cao như trong Báo cáo đã nêu là 99,7%.
Nêu ý kiến về vấn đề lừa đảo trực tuyến, đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, cử tri rất quan tâm đến vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, số vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều với số nạn nhân và số tiền ngày càng lớn. Có không hiếm vụ nạn nhân đã bị lừa mất tiền tỷ, thậm chí bị lừa mất nhiều tỷ đồng.
Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tránh lừa đảo. Thời gian qua, nhiều đường dây lừa đảo trực tuyến với quy mô lớn đã bị công an triệt phá và mang lại niềm tin cho nhân dân.
Tuy nhiên, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp phát hiện, xử lý triệt phá loại tội phạm này. Đặc biệt với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, tội phạm thường sử dụng số tài khoản ngân hàng và số thuê bao điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền.
Vì vậy, cử tri mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa trong việc rà soát, xử lý và quản lý sim rác. Cử tri cũng mong muốn ngân hàng rà soát, xử lý những tài khoản ngân hàng không chính chủ vì đây đang là kẽ hở cho loại tội phạm này lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về số lượng tài khoản ngân hàng tối đa mỗi cá nhân được mở và khi không sử dụng đến tài khoản ngân hàng nữa có thể do chuyển qua sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác, người dân cũng không có thói quen đóng hay hủy tài khoản ngân hàng. Một phần trong số các tài khoản ngân hàng không sử dụng đó đã được cho, được bán lại và tạo kẽ hở cho tội phạm hoạt động. Bởi vậy, cử tri cho rằng khi xử lý được sim rác và số tài khoản ngân hàng không chính chủ thì chắc chắn loại tội phạm này cũng sẽ giảm nhiều hơn.
Thảo luận vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang, cho biết nhiều lĩnh vực cử tri có kiến nghị vẫn diễn biến phức tạp, vẫn được đông đảo cử tri quan tâm như tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, đảm bảo an ninh trên không gian mạng, ngăn chặn tin nhắn rác và cuộc gọi lừa đảo…
GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 42 kiến nghị của cử tri gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông giữa 2 kỳ họp đã được Bộ trả lời xử lý hoặc có lộ trình xử lý và có thời gian hoàn thành cụ thể.
Về lừa đảo trực tuyến, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này hiện nay đang diễn ra trên diện rộng và không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, như là một hệ lụy của chuyển đổi số.
Nêu một số các giải pháp Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện thời gian qua, Bộ trưởng nêu 6 giải pháp.
Thứ nhất, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ Thông tin truyền thông đã chỉ đạo các báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, Bộ sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới người dân.
Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến thời gian qua.
Thứ ba, lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại và giả danh cơ quan nhà nước. Vừa qua, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.
Thứ tư, lừa đảo trực tuyến cũng thông qua số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác. Gần 5 năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý sim rác, nhiều chục triệu sim rác đã được xử lý. Từ ngày 15/4/2024 đã cắt toàn bộ những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn đề sim chính chủ.
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, nếu Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện sim rác, sim không chính chủ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của bộ trong xử lý sim rác, sim không chính chủ.
Thứ năm, lừa đảo trực tuyến hay lập các trang web giả mạo của cơ quan nhà nước. Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có sáng kiến gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước và các tổ chức đã được xác thực. Người dân khi vào các trang web không thấy có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn.
Thứ sáu, Bộ đã thiết lập một đầu mối để tiếp nhận phản ánh về các lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu phản ánh việc cử tri phát hiện ra có một số tài khoản không chính chủ thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm. Trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện một số những giải pháp để ngăn chặn và hạn chế tình trạng này.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát, chỉnh sửa cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52 ngày 15/5 vừa qua, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó bổ sung một số những quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, quy định khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip để mở tài khoản điện tử, giúp khắc phục tình trạng giả mạo. Còn đối với công dân không có căn cước công dân gắn chip phải đến trực tiếp tại quầy để thực hiện việc xác minh cũng như nhận biết khách hàng chính chủ.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345, yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày. Điều này giúp việc xác thực đối với khách hàng và hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật. Quyết định này yêu cầu các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện từ ngày 1/7.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử định danh (eKYC); đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch, kiểm soát, đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, có giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, phối hợp kiểm tra việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán, tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán…