Bộ Y tế phản hồi về việc giá thuốc chênh lệch giữa các cơ sở y tế và nhà thuốc
Cử tri TP.HCM phản ánh đến Bộ Y tế về việc hiện nay tình trạng giá thuốc tại các cơ sở y tế, phòng khám, nhà thuốc,...có giá chênh lệch, không thống nhất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cử tri cho rằng cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc, bảo đảm công khai, mình bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường. Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Phản hồi vấn đề này, Bộ Y tế cho biết thuốc là hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, do đó, trong nhiều năm qua, giá thuốc được kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Trên cơ sở các nguyên tắc quản lý giá hàng hóa nói chung (tại Luật Giá), giá thuốc nói riêng (Điều 105 Luật Dược 2016), giá thuốc được kiểm soát đồng bộ bởi các biện pháp quản lý giá thuốc (Điều 106 Luật Dược).
Cụ thể, tại cơ sở y tế công lập (bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám...): Kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, đấu thầu mua thuốc (nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn thu hợp pháp...).
Tại bệnh viên, phòng khám tư nhân: Kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, niêm yết giá và bán không cao hơn giá niêm yết.
Tại các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc...): Kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, niêm yết giá và bán không cao hơn giá niêm yết. Đặc biệt với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc bán ra được kiểm soát thông qua thặng số tối đa (từ 2 - 15%, tùy thuộc vào trị giá của thuốc).
Ngoài ra, thông tin giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược. Qua đó, người dân có đầy đủ thông tin để đối chiếu, so sánh và lựa chọn các thuốc với giá cả hợp lý.
Theo Bộ Y tế, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, giá thuốc được kiểm soát, về cơ bản không có sự chênh lệch lớn giá thuốc của cùng một thuốc tại các cơ sở y tế. Đồng thời, với các biện pháp quản lý giá thuốc nêu trên đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Để tăng cường hơn nữa việc kiểm soát giá thuốc, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung biện pháp quản lý giá thuốc tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016, đang trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến; kiến nghị mức giá bán buôn dự kiến đã công bố... đối với thuốc kê đơn; kê khai giá theo pháp luật về giá đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu.
“Với biện pháp này, giá thuốc được kiểm soát chặt chẽ, tập trung vào các nhóm thuốc cần quản lý - giá thuốc không có sự chênh lệch giữa các khu vực, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân và tổ chức kinh doanh thuốc”, Bộ Y tế nêu rõ.