Boeing: “Nhu cầu máy bay của Việt Nam tăng vọt trong 20 năm tới”
Ông Thomas Sanderson, Giám đốc Tiếp thị Máy bay thương mại Boeing, cho biết trong vòng 20 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần khoảng 4.200 máy bay mới và Việt Nam sẽ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong số đó…
Chia sẻ với báo chí bên lề Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây, ông Thomas Sanderson, Giám đốc Tiếp thị Máy bay thương mại Boeing, cho biết Việt Nam có tiền đề rất tốt để phát triển hàng không nhờ lợi thế về lượt hành khách, sản lượng hàng hoá cần vận tả và số lượng máy bay.
“Về cơ bản, có thể nói, tốc độ phát triển của hàng không Việt Nam trong những lĩnh vực nói trên tăng gấp 5 - 7 lần mức độ trung bình của khu vực”, ông Thomas Sanderson nói.
Tuy nhiên, để theo kịp với xu hướng phát triển bền vững của thế giới, đại diện Boeing lưu ý Việt Nam cần chú trọng tới những dòng máy bay hướng tới sử dụng năng lượng xanh, ít phát thải khí CO2 hay tiết kiệm nhiên liệu nhất là trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang thực hiện cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững và hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo tính toán của Boeing, hiện nay khoảng 50% dân số thế giới đang sống ở thành thị và tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2050 do xu thế đô thị hóa. Điều này làm gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân.
Theo đó, lưu lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ hành khách/năm, từ đó làm gia tăng số lượng hãng bay cũng như số lượng máy bay thương mại, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Quy mô thị trường dự tính sẽ lên tới 9.000 tỷ USD và sử dụng khoảng 180 triệu lao động trên toàn thế giới.
Để vừa theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, vừa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ông Thomas Sanderson cho rằng có 4 trụ cột cần phải theo đuổi. Đó là đổi mới đội bay, nâng cao hiệu suất vận hành, ứng dụng năng lượng tái tạo thông qua sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và các công nghệ tiến tiến khác như điện hóa động cơ, sử dụng hydro…
Hiện tại, Boeing đang tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý, nhà chức trách trên toàn cầu, cũng như các khách hàng để đưa phiên bản Boeing 737-8 và 737-9 hoạt động trở lại trên toàn thế giới một cách an toàn.
Theo Boeing, đã có 190 trong số 195 quốc gia đã xác nhận mở cửa không phận với dòng máy bay Boeing 737 Max, hơn 40 hãng hàng không đưa vào hoạt động trở lại. Tổng số đơn hàng của 737 Max tính từ tháng 11/2020 đến tháng 8/2022 đã đạt được hơn 1.200 chiếc.
Tại Việt Nam, Vietjet Air đã ký kết với Boeing thoả thuận đặt hàng 200 tàu bay B737 Max. Tuy nhiên, hiện Vietjet Air vẫn chưa nhận bàn giao máy bay Boeing 737 Max. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng đang đàm phán đơn hàng Boeing 777x.
Trước đó, sau một số vụ tai nạn liên quan đến Boeing 737 Max, nhiều nước trên thế giới đã cấm khai thác dòng máy bay này từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, sau khi Boeing khắc phục các vấn đề kỹ thuật liên quan, từ cuối 2020, Boeing 737 Max bắt đầu được khai thác trở lại tại một số thị trường. Tại Việt Nam, tháng 12/2021, Cục Hàng không đã cho phép khai thác trở lại Boeing 737 Max.