Bùng nổ “công nghiệp” thú cưng
Từ sau đại dịch Covid–19 đến nay, mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà bán lẻ là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, có vẻ như tác động của lạm phát đối với ngành “công nghiệp” thú cưng không quá lớn...
Thị trường sản phẩm - dịch vụ cho thú cưng đang trỗi dậy với sự gia tăng mạnh mẽ, bất chấp những bất ổn kinh tế. Với việc coi động vật như một thành viên quan trọng trong gia đình, nhiều người chủ đã sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm, dịch vụ cao cấp để chăm sóc và làm hài lòng “người bạn” của mình. Theo Business Research Insights, riêng quy mô thị trường phụ kiện vật nuôi toàn cầu đã là 20,510 tỷ USD vào năm 2022, dự kiến sẽ đạt 32,290 tỷ USD và đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,9% vào năm 2028.
TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG KHÔNG GIỚI HẠN
Tại Mỹ, tăng trưởng thị trường thú cưng trị giá 137 tỷ USD đang bùng nổ, khi ngày càng nhiều gia đình sẵn sàng chi các khoản tiền lớn để giúp thành viên “bốn chân” trong gia đình họ khỏe mạnh và hạnh phúc. Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ cung cấp đa dạng các loại mặt hàng cho thú cưng bao gồm sản phẩm dinh dưỡng, quần áo... Các công ty như Chewy, Walmart và Petco cũng đang mở rộng sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thú cưng để duy trì tính cạnh tranh và phát triển thị phần.
Cuối năm 2023, trong nỗ lực để mở rộng hoạt động kinh doanh, ngay cả “ông lớn” bán lẻ Amazon cũng đã công bố kế hoạch mở một trung tâm dịch vụ thú cưng chuyên dụng ở Dallas, Georgia. Trung tâm sẽ được điều hành bởi các nhân viên cũ của công ty chăm sóc và sản phẩm thú cưng PetIQ. Hãng cũng sẽ cung cấp các loại dịch vụ như spa, kiểm tra sức khoẻ... và cho biết muốn có một vị trí đáng kể trong lĩnh vực này.
Thực tế, đã từ lâu giới nhà giàu không ngại chi tiền để mua những món phụ kiện sang chảnh cho thú cưng. Chẳng hạn như chiếc túi đựng vật nuôi của Celine có giá 6.500 USD, làm từ vải canvas Triomphe cao cấp, hay như chiếc vòng đeo cổ cho chó bằng nylon của Prada có giá 240 USD được làm với kỹ thuật tương tự như làm túi xách. Tiffany & Co. là một công ty trang sức xa xỉ có trụ sở tại New York City, mới đây cũng đã cho ra mắt các phụ kiện cho thú cưng bao gồm vòng cổ, dây xích, bát ăn...
Ngay cả các công ty công nghệ cũng tham gia vào cuộc chạy đua. Tại triển lãm điện tử tiêu dùng (CES 2024), Samsung đã ra mắt airtag được hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo (AI) dành riêng cho động vật. Công ty giới thiệu đây là mặt hàng để gắn vào cổ vật nuôi, giúp chủ nhân có thể theo dõi chúng mọi lúc mọi nơi trên điện thoại. Dữ liệu từ MoneySuperMarket cho thấy, người nuôi thú cưng ở Anh chi gần 620 USD mỗi năm cho những món đồ xa xỉ dành cho thú cưng, từ quần áo hàng hiệu và giường đệm sang trọng cho đến đồ chơi và đồ ăn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế.
Tại châu Á, theo sách trắng về thị trường kinh doanh thú cưng của Trung Quốc, có hơn 70,43 triệu người nuôi thú cưng (chó và mèo) ở thành thị Trung Quốc năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 446 triệu vào cuối năm 2024. Chính tiềm năng tăng trưởng khổng lồ như vậy đã thu hút nhiều công ty trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tháng 4/2023, Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ đã xây dựng một dây chuyền sản xuất thức ăn đóng hộp cao cấp cho thú cưng tại thành phố Thiên Tân. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách quản lý đối với việc điều trị bệnh, thuốc và thực phẩm cho thú cưng để hỗ trợ sự phát triển của ngành.
Còn ở Đông Nam Á, nắm bắt xu hướng, các nhà sản xuất Thái Lan đã và đang cố gắng phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, giá cả hợp lý và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. Bên cạnh thức ăn cho thú cưng - một trong bốn mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới, Thái Lan đang khuyến khích đa dạng hoá việc sản xuất các loại sản phẩm chăm sóc thú cưng khác như: nội thất, thời trang, spa và làm đẹp, đồ chơi, quà tặng... để đáp ứng mọi nhu cầu của thú cưng.
Nhiều ý kiến dự báo, trong tương lai, nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo liên quan đến thú cưng như thiết kế nhà ở thân thiện với thú cưng, chăm sóc thú cưng cao tuổi và phụ kiện thú cưng thông minh sẽ ngày càng lớn mạnh và trở thành một lĩnh vực tiềm năng với giá trị lên đến hàng triệu USD.
Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường đặc thù này cũng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo các chuyên gia, việc mở rộng quá nhanh và quá mạnh của “nền kinh tế thú cưng” đồng nghĩa với việc phải có các chính sách quản lý liên quan để hướng dẫn sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam