Bùng nổ số tài khoản cá nhân: Kỷ lục 476.000 tài khoản mở mới trong tháng 5 gấp đôi tháng 4
Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 5 lập kỷ lục 476.332, gấp đôi so với tháng 4....
Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 5 lập kỷ lục 476.332, gấp đôi so với tháng 4. Con số này cũng cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản hồi tháng 3.
Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 5 đạt 123, giảm 23% so với tháng trước.
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 5 đạt hơn 5,65 triệu, tương đương hơn 5,7% dân số. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Nếu tính mỗi nhà đầu tư mở một tài khoản thì mục tiêu của Chính phủ vào năm 2025 chính thức đạt được. Và nếu giữ được tăng trưởng này, nhiều khả năng đến năm 2022 con số 8% hoàn toàn khả thi.
Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài là 256, giảm 27% so với tháng 4. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 298 tài khoản chứng khoán, giảm 9,4%. Lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài giảm từ 4.220 đơn vị xuống 4.178 đơn vị (giảm 42 đơn vị) do lượng đóng tài khoản nhiều hơn mở mới. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 5 đạt 41.118.
Tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 5,7 triệu ở thời điểm cuối tháng 5.
Mặc dù lượng tài khoản cá nhân mở tăng kỷ lục nhưng dòng tiền vẫn rất thận trọng khi thanh khoản giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2022.
Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường khá yếu trước nhiều yếu tố rủi ro. Nhà đầu tư cá nhân thu hẹp hoạt động giao dịch do quan ngại tới những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường Bất động sản, thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp và bên cạnh đó là hoạt động thanh tra, giám giát thị trường của các Cơ quan quản lý được đẩy mạnh. Một yếu tố rủi ro khác là tương quan giữa Thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường Việt Nam ở mức cao trong thời gian gần đây và giai đoạn vừa qua cũng là giai đoạn khó khăn với thị trường chứng khoán Mỹ khi FED bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Về thanh khoản đã có sự sụt giảm rất mạnh. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 5 đạt 15,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE, giảm 31% so với tháng 4 và cũng giảm 31% so với tháng 5 năm 2021. Bình quân 5 tháng đầu năm, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 23 nghìn tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với con số của năm 2021. Thanh khoản suy yếu do khối nhà đầu tư cá nhân trong nước hạn chế giao dịch. Điều này đã đưa tỷ trọng giao dịch của khối ngoại quay lại mức cao, trong tháng 5 chiếm 9,9% trên giá trị giao dịch trên HOSE so với mức 8,1% ở tháng 4.