Buôn lậu diễn ra trên mọi tuyến
Đường bộ, đường hàng không, đường biển đều ghi dấu sự xung trận của buôn lậu
Đường bộ, đường hàng không, đường biển đều ghi dấu sự xung trận của buôn lậu. 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng cả nước đã khởi tố 1.311 vụ (tăng 47%), với 1.546 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018).
Về phòng chống tội phạm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Công an đã điều tra, khám phá 21.071 vụ phạm pháp hình sự, bắt 45.570 đối tượng (đạt tỷ lệ 82,25%), án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%; triệt phá 1.392 băng nhóm tội phạm các loại.
Cùng với đó phát hiện, đấu tranh 9.948 vụ phạm tội về kinh tế, 168 vụ tội phạm về tham nhũng, 1.139 vụ buôn lậu, 2.733 vụ sản xuất, vận chuyển hàng cấm (không tính các vụ tội phạm về ma tuý), tăng 22,6% so với cùng kỳ; 322 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, tăng 25,7%. Phát hiện, bắt giữ 13.185 vụ, 20.070 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ 750 kg heroin, 4.993 kg và 511.312 viên ma tuý tổng hợp, 571 kg cần sa.
Bộ Công an nhìn nhận, hiệu quả phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn rất hạn chế, các giải pháp kéo giảm tội phạm hình sự chưa hiệu quả...
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 (về phòng chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 (về phòng chống buôn lậu) nhấn mạnh về tình trạng cán bộ biến chất bao che, tiếp tay cho buôn lậu khi chủ trị "Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới" của hai Ban Chỉ đạo.
"Mặc dù công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành; đã phát hiện và xử lý nhiều đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn (vụ xăng giả của Trịnh Sướng), được người dân đánh giá cao nhưng tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ công chức thoái hoá, biến chất", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu cần đi thẳng vào các vấn đề lớn của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo đó, thẳng thắn kiểm điểm, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được; những cơ quan, đơn vị nào làm tốt, có giải pháp hay, đột phá... cũng như cơ quan, đơn vị nào chưa hoàn thành nhiệm vụ, còn nhiều tồn tại, hạn chế và những thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp thời gian tới.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy, buôn bán hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái; giả mạo "Made in Vietnam" để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuyến biên giới đường bộ tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, trọng điểm là khu vực biên giới phía Bắc (gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang...); miền Trung (gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...); Tây Nam bộ (gồm các tỉnh An Giang, Long An, Kiên Giang...).
Lợi dụng biên giới có nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng vận chuyển trái phép hàng bách hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng; đồ điện tử; ma túy, pháo nổ, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm...
Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế gồm cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất xuất hiện các đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao (vàng, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược...).
Trên tuyến đường biển, tại các địa bàn Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM... tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục CITES như cá thể tê tê, vẩy tê tê, ngà voi... có chiều hướng gia tăng.
Trong nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sơ hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn ra có chiều hướng tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt là khu vực đô thị.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 85.892 vụ vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách 6.165,8 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, số vụ, số đối tượng khởi tố đều tăng; trong đó, các lực lượng đã khởi tố 1.311 vụ, tăng 47%, với 1.546 đối tượng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018.
Điển hình là Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, phát hiện, bắt giữ, xử lý. Kết quả, nửa đầu năm 2019, lực lượng hải quan phát hiện, xử lý 10.517 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách 1.007,9 tỷ đồng; khởi tố 20 vụ.
Bộ Công an đã phát hiện, xử lý và triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn 4.217 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 23 tỷ đồng, khởi tố hình sự 937 vụ và 1.192 đối tượng. Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý 1.569 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 25 tỷ đồng, khởi tố 287 vụ, 354 đối tượng. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 622 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng...