Cà phê cuối tuần: Công cụ tìm kiếm - nếu không là số 1, kiếm ăn sẽ rất khó!

Mạnh Chung
Chia sẻ

Trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm, cạnh tranh với Google là một sự không công bằng

Ông Nguyễn Vũ Anh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc.
Ông Nguyễn Vũ Anh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc.

Từ bốn thành viên, ba người Việt du học tại Nga và một người Nga, sau khi phát triển công cụ tìm kiếm tại xứ sở Bạch Dương này và không thể cạnh tranh với gã khổng lồ Google nên đã chuyển về Việt Nam phát triển một công cụ tìm kiếm (search engine) riêng cho thị trường Việt – có tên là Cốc Cốc.

Sau 10 năm thành lập công ty và 7 năm chính thức ra mắt sản phẩm, đến nay, công cụ tìm kiếm của người Việt – Cốc Cốc đã có 25 triệu người dùng/tháng. Tưởng như một sản phẩm công nghệ với tập người dùng tới vài chục triệu như vậy, cơ hội kinh doanh và con đường phát triển sẽ rộng thênh thang, thế nhưng trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm, "miếng ăn" không dễ đến với người có thị phần thứ 2, và để thực sự có lợi nhuận thì cần ít nhất 20% thị phần, còn Cốc Cốc hiện mới chưa đầy 10% thị phần.

"Cà phê cuối tuần" kỳ này, VnEconomy trò chuyện với ông Nguyễn Vũ Anh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc – đơn vị sở hữu trình duyệt Cốc Cốc về việc cạnh tranh trên thị trường công cụ tìm kiếm và "những góc khuất" của lĩnh vực này mà không phải ai cũng hiểu.

Công cụ tìm kiếm: Không là số 1, kiếm ăn sẽ rất khó! - Ảnh 1.

 

Ông Vũ Anh nói: - Khi bốn bạn sáng lập về Việt Nam và kéo theo 60 kỹ sư người Nga có kinh nghiệm làm công cụ tìm kiếm, đồng thời thuê rất nhiều kỹ sư là người Việt nữa, đào tạo họ và sau đó tạo ra một đội (team) khá mạnh.

Lúc ra công cụ tìm kiếm, đội ngũ lãnh đạo thấy rằng, cách để phân phối công cụ tìm kiếm là cần trình duyệt, hai cái song hành với nhau, nên xác định luôn là xây dựng trình duyệt để phân phối công cụ tìm kiếm. Thực ra trình duyệt rất thành công vì nó đáp ứng đúng nhu cầu của người Việt, đặc biệt trong giai đoạn từ 2013-2017 đã phát triển rất nóng.

Thậm chí, khi đó, chính sự phát triển của Cốc Cốc đã khiến Google phải quan tâm và đầu tư cho thị trường Việt Nam nhiều hơn.

KHI GOOGLE QUAN TÂM THỊ TRƯỜNG VIỆT, CỐC CỐC ĐÃ GẶP KHÓ

Vậy ông có thể phân tích cụ thể theo góc nhìn chủ quan của ông rằng Google đã phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào thị trường Việt Nam sau khi Cốc Cốc đã có sự phát triển mạnh mẽ?

Cần phải phân tích vì sao Cốc Cốc lại có được sự phát triển mạnh mẽ trước đã. Khi Cốc Cốc có mặt trên thị trường năm 2013, khi đó Internet Việt Nam có hai vấn đề.

Thứ nhất là tốc độ chưa nhanh. Ở đây là nói về nhu cầu download phim, nhạc của người dùng và thường xuyên bị giật. Cốc Cốc ra đời đã giải đáp được nhu cầu này và người dùng tìm đến Cốc Cốc khá nhiều.

Thứ hai, ngôn ngữ tiếng Việt cũng rất quan trọng. Một công cụ tìm kiếm nội địa tốt thì phải rất sâu về ngôn ngữ tiếng Việt, sau đó có các tính năng như gõ tiếng Việt không có dấu sẽ tự đánh dấu, hay sửa chính tả - trong khi Google lại không có, và đến giờ Google cũng chưa có tính năng sửa chính tả, đánh dấu như Cốc Cốc. Những tính năng này lại rất phù hợp với đối tượng học sinh sinh viên.

Nếu bạn để ý sẽ thấy, từ năm 2017 Google đã quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam và cũng đầu tư rất nhiều, điều này biểu hiện ở việc hãng này đã tập trung phát triển một số tiềm năng riêng cho thị trường Việt.

Đặc biệt như dịch tiếng Việt (Google translate), trợ lý ảo (Google assistant) trên điện thoại di động. Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới Google thử nghiệm, tất nhiên trong đó có tiếng Anh, nhưng chọn cả tiếng Việt để thử nghiệm. Như thế Google đã bắt đầu quan tâm vào thị trường Việt Nam.

Tôi nghĩ một phần vì họ thấy công ty nội địa bắt đầu thành công và cạnh tranh nên đã lưu ý và đầu tư nhiều hơn. Trên thế giới cũng chỉ có khoảng 10 nước là có công ty nội địa là có khả năng cạnh tranh với Google. Ngoài ra, Google cũng thấy được tiềm năng ở Việt Nam vì người dùng bắt trend rất nhanh, điển hình là việc Việt Nam là một trong những nước dùng Youtube nhiều nhất.

Cũng bởi Google quan tâm và đầu tư mạnh hơn vào thị trường Việt Nam nên Cốc Cốc đã gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ (công cụ tìm kiếm) này, cạnh tranh với Google là một sự không công bằng.

Vì sao lại không công bằng, thưa ông?

Ví dụ như hệ điều hành Android của Google trên điện thoại. Hệ điều hành Android là của Google nên họ muốn làm gì thì làm, trên điện thoại Android Google search là mặc định và không đổi được, tức người dùng không có sự lựa chọn nào khác ngoài Google search, còn các trình duyệt khác không bao giờ có thể chen chân vào điện thoại Android được. 

Ngoài việc độc quyền về công cụ tìm kiếm trên các thiết bị Android, Google còn kiểm soát tất cả các ứng dụng trên chợ ứng dụng của họ. Mọi cập nhật của các ứng dụng phải tuân thủ những quy định của Google, đôi khi, có những tính năng rất có lợi và tiện cho người dùng, được người dùng yêu thích nhưng vì nó không tốt cho việc kinh doanh của Google nên họ đã yêu cầu gỡ xuống hoặc hạ ứng dụng xuống. 

Việc này đã từng xảy ra với Cốc Cốc. Ngoài ra, Google cũng có yêu cầu với những nhà sản xuất điện thoại nếu muốn sử dụng hệ điều hành Android thì bắt buộc phải cài Chrome làm trình duyệt mặc định.

TẬP NGƯỜI DÙNG VÀI CHỤC TRIỆU CŨNG KHÔNG DỄ CÓ ĂN

Với 25 triệu người dùng lẽ ra Cốc Cốc có rất nhiều cơ hội trong kinh doanh và làm ăn có lãi, nhưng đằng này, công ty vẫn lỗ hoài?

Không, năm 2020 Cốc Cốc có lãi rồi, cũng là năm thứ hai có lãi và lãi cao nhất kể từ khi thành lập đến nay. Năm nay Cốc Cốc lãi 30 tỷ, còn năm lãi đầu tiên 2017 là được khoảng 16 tỷ đồng.

Tất nhiên khoản lãi này là rất nhỏ so với số tiền của các nhà đầu tư đã bỏ ra.

Còn nói sở hữu mấy chục triệu người dùng rồi thì có doanh thu lớn thì lĩnh vực tìm kiếm không phải như thế, cái khó là liên quan đến mô hình kinh doanh. 

Về người dùng thì Cốc Cốc rất tự hào bởi có nhiều người dùng và đâu đó đáp ứng nhu cầu của người Việt. Nhưng về kinh doanh và mô hình kinh doanh, đặc biệt là công cụ tìm kiếm thì ai to nhất sẽ chiếm phần lớn doanh thu. Về công cụ cụ tìm kiếm hiện tại Cốc Cốc có chưa đến 10% nên vẫn rất bé, số lượng nhiều nhưng thị phần vẫn bé nên doanh thu vẫn nhỏ hơn so với tổng dung lượng của thị trường.

Công cụ tìm kiếm: Không là số 1, kiếm ăn sẽ rất khó! - Ảnh 2.

 

Về mô hình đấu giá quảng cáo (bidding), khi nhiều nhà quảng cáo cùng đưa ra giá cho 1 vị trí hiển thị quảng cáo, ai đưa ra giá cao hơn sẽ được hiển thị. Và ví Google có rất nhiều khách hàng nên doanh thu của họ sẽ vô cùng lớn. Bởi họ (Google) đã thống trị toàn bộ thế giới (chiếm tới 90% về search) nên số tiền (doanh thu) của họ sẽ vô cùng khủng khiếp. 

Ở đây, nếu lấy công cụ tìm kiếm của Google đưa vào trình duyệt Cốc Cốc chắc chắn doanh thu Google chia sẻ với Cốc Cốc sẽ cao hơn doanh thu mà Cốc Cốc tự khai thác, nhưng tất nhiên Cốc Cốc không bao giờ làm vậy, vì bài toán của trình duyệt hợp tác với Google như vậy chỉ có chết, Firefox là một minh chứng.

Nên nói rằng, sở hữu vài chục triệu người cũng không dễ có ăn là vì như vậy.

Nhưng khoản lãi 30 tỷ - mức lãi lớn nhất từ khi Cốc Cốc thành lập tới nay, cho dù chỉ là "hạt cát" so với các "đại gia" công nghệ trên thế giới, là đến từ nguồn nào vậy?

Lãi vẫn đến từ quảng cáo online thôi. 

Năm nay rất đặc biệt với đại dịch Covid-19, người dân làm việc ở nhà nhiều vì thế người sử dụng Cốc Cốc tăng lên, vì phần lớn máy tính ở nhà đều có Cốc Cốc. Hay trong thời gian học sinh sinh viên học ở nhà (trực tuyến), lượt download trên máy tính và điện thoại thông qua trình duyệt Cốc Cốc cũng tăng cao. 

Nói chung, một mặt người dùng có và tăng cao, mặt khác, may mắn là Cốc Cốc làm việc với khá nhiều ngành và có khá nhiều khách hàng vừa và nhỏ, nên trong đợt Covid, người dân ở nhà và vẫn có nhu cầu mua sắm, nên lớp khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ này vẫn thực hiện quảng cáo trực tuyến.

Mặt khác cũng phải nói thật là chúng tôi phải tiết giảm chi phí khá mạnh. Chúng tôi thực hiện cắt giảm với tiêu chí không cắt giảm nhân sự. Vì đối với một công ty như Cốc Cốc, đội ngũ nhân sự giỏi, có trình độ cao chính là tài sản lớn nhất giúp công ty tồn tại và phát triển. 

CHÚNG TÔI SẼ KÊU GỌI ĐẦU TƯ TỪ QUỸ TẠI VIỆT NAM

Đến nay, số tiền mà các nhà đầu tư đã rót vào Cốc Cốc là bao nhiêu, ông có thể chia sẻ được không? Và với tín hiệu lãi như trong năm 2020 thì việc mở rộng và kêu gọi đầu tư của Cốc Cốc trong thời gian tới sẽ có những triển vọng như thế nào?

Vốn đầu tư vào Cốc Cốc cũng tương đối khá. Giai đoạn đầu tiên xây dựng công cụ tìm kiếm, trong 5 năm đầu tiền, số tiền đầu tư vào Cốc Cốc là 15 triệu USD và do các bạn người Nga đầu tư, số tiền chủ yếu để thuê các kỹ sư. Cốc Cốc đã mất 3 năm để phát triển sản phẩm với những đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhất cùng các kỹ sư nước ngoài. Con số đầu tư vào phát triển sản phẩm trong giai đoạn này là rất lớn.

 Sau đó 2015, Tập đoàn Hubert Burda Media của Đức cũng rót vào với số tiền tương tự như vậy, tất nhiên họ vào sau thì cổ phần ít hơn, vì rủi ro ít hơn.

Công cụ tìm kiếm: Không là số 1, kiếm ăn sẽ rất khó! - Ảnh 3.

 

Cốc Cốc hiện cũng không có quá nhiều áp lực về vốn. Thực ra quan trọng nhất đối với sản phẩm như Cốc Cốc là người dùng và đây vẫn là vấn đề quan trọng nhất với Cốc Cốc, bởi khi người dùng mà phát triển thì chắc chắn doanh thu sẽ phát triển. Khoản lãi sau đó sẽ lại được tập trung vào phát triển người dùng, nên lãi nhanh lãi cao không phải là mục tiêu của chúng tôi.

Ông nghĩ sao khi Cốc Cốc được xem là công cụ tìm kiếm của người Việt và của Việt Nam nhưng nguồn đầu tư vào công ty lại chủ yếu từ nước ngoài?

Cũng bởi vậy mà tới đây chúng tôi sẽ tìm nhà đầu tư của Việt Nam và ở Việt Nam đầu tư vào Cốc Cốc. Điều này cũng đã được đại diện cơ quan quản lý "nhắc" cần có nhà đầu tư trong nước đầu tư vào Cốc Cốc.

Vậy các ông đã tìm hoặc có kế hoạch mời gọi nhà đầu tư Việt nào chưa? Quan điểm của các nhà đầu tư Việt Nam có khác so với các nhà đầu tư nước ngoài nhất là đầu tư vào công ty khởi nghiệp nhiều rủi ro như công nghệ?

Trước khi sang Cốc Cốc tôi đã có 4 năm làm Giám đốc khối chiến lược tại ngân hàng Techcombank, và hai công ty Fintech nên sau này cũng có cơ hội để chào mời việc đầu tư của các quỹ trong khối ngân hàng hay tài chính, và một số các công ty khác. Hi vọng năm 2021 Cốc Cốc sẽ gọi vốn được quỹ đầu tư trong nước và chuẩn bị cho kế hoạch IPO của 5 năm tới.

CƠ HỘI TRƯỚC MỤC TIÊU "40% DỊCH VỤ SEARCH LÀ TỪ CÔNG TY NỘI ĐỊA"

Một vài năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm và dành nhiều ưu đãi, chính sách cho khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ Việt. Ông thấy môi trường pháp lý đang tác động hay hỗ trợ như thế nào đến Cốc Cốc?

Đúng là Chính phủ, bộ ngành liên quan gần đây có rất nhiều chính sách quan tâm để thúc đẩy doanh nghiệp số. Tuy vậy, đặt trong bối cảnh này, Cốc Cốc vẫn khá trung lập, việc kinh doanh hoàn toàn bình thường, mà chưa nhận được ưu đãi, hỗ trợ từ các định hướng của Chính phủ. 

Ngoài ra, Cốc Cốc là công ty Việt Nam, tạo ra công việc đóng thuế tại Việt Nam và chấp hành đầy đủ các quy định khắt khe của Chính phủ trong khi Google lại không chịu bất kỳ một sự quản lý nào. 

Trong chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông có đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 40% người Việt Nam sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước. Cốc Cốc nhìn nhận như thế nào về cơ hội trong miếng bánh 40% thị phần này?

Hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả thế giới quan tâm Google, Amazon, Facebook, Apple, vì họ quá mạnh và độc quyền. Như châu Âu họ đi trước nên cố gắng tạo ra một thế cân bằng hơn.

Đơn cử như ở châu Âu từ 1/3, họ ra quy định bắt buộc trên điện thoại Android người dùng được lựa chọn công cụ tìm kiếm, trong đó có các công cụ tìm kiếm của các nước châu Âu chứ không đơn thuần mặc định chỉ có mỗi công cụ tìm kiếm của Google như trước đó. 

Tất nhiên ở châu Âu Google quá mạnh nên cơ bản ai cũng chọn Google, còn các đối thủ của Google lại quá bé và yếu. Nhưng dẫu sao đây cũng là cách để làm cân bằng hơn chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào Google.

Tôi nghĩ trong mục tiêu đến năm 2025, 40% người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm nội địa, mà ở thời điểm hiện tại chỉ có Cốc Cốc phát triển công cụ tìm kiếm thôi nên cơ hội là rất lớn.

40% này khá là cao nhưng nếu có quy định để đảm bảo việc cạnh tranh với Google được công bằng hơn, thì Cốc Cốc sẽ có cơ hội phát triển chứ không phải như hiện nay.

Chúng tôi cũng biết cạnh tranh với Google là quá khó, và Cốc Cốc cũng không đặt mục tiêu đó lên hàng đầu. Cái Cốc Cốc tập trung là làm thế nào có nhiều người dùng và dùng thường xuyên hơn nữa... Do vậy, thời gian tới, trong xu hướng sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng của người Việt cũng như sự mở rộng về công nghệ số của các vùng thành phố nhỏ và nông thôn, Cốc Cốc sẽ nghiên cứu và phát triển thêm các tính năng mới nhằm đáp ứng nhu cầu về công nghệ thông tin của nhóm đối tượng này. 

Ngoài ra, công ty cũng sẽ tập trung mở rộng các hoạt động bên ngoài mảng trình duyệt và công cụ tìm kiếm.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con