“Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ không chạy đua lãi suất với Fed
Bank of America cho rằng ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á sẽ “không vội” đuổi theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)...
Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á sẽ “không vội” đuổi theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho dù Fed bất ngờ chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn – các chuyên gia của ngân hàng Bank of America nhận định trong một báo cáo.
“Không phải lo về chuyện phản ứng chậm với lạm phát, hầu hết ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi sẽ duy trì hướng đi chính sách tiền tệ hiện tại và chú ý nhiều hơn đến vấn đề phục hồi nhu cầu trong nước”, hãng tin CNBC dẫn báo cáo trên.
Thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh trong thời gian gần đây, khi nhà đầu tư điều chỉnh danh mục trước khả năng Fed có nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trước đây, mỗi lần Fed tăng lãi suất, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đều gặp thách thức, vì lãi suất tăng ở Mỹ đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn nóng khỏi khu vực. Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng trung ương ở châu Á chịu áp lực phải tăng lãi suất để ngăn sự thoái vốn.
Nhưng các chuyên gia của Bank of America nói rằng có 3 lý do để ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi không đua tăng lãi suất với Fed, ít nhất ở giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt sắp bắt đầu của Fed:
Thứ nhất, lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi châu Á còn đang ở mức thấp. “Chúng tôi cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ phù hợp với mục tiêu chính sách, cho phép các ngân hàng trung ương trong khu vực điều chỉnh chính sách tiền tệ ở mức độ của riêng mỗi nước”, báo cáo viết.
Thứ hai, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á đang yếu đi. “Dự báo hiện tại của chúng tôi cho thấy rằng mức tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á từ 2020-2022 vẫn sẽ thấp hơn so với xu hướng trước đại dịch. Trong khi đó, kinh tế Mỹ và các nền kinh tế mới nổi ngoài châu Á làm tốt hơn nhiều trong việc rút ngắn khoảng cách sản lượng so với trước đại dịch”.
Và thứ ba, tình hình dự trữ ngoại hối và cán cân vãng lai hiện tại có thể bảo vệ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á khỏi áp lực thoái vốn. “Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng ở các nền kinh tế mới nổi châu Á, bất chấp sự thoái vốn mạnh trong năm 2020… Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi châu Á cũng đang có thặng dư cán cân vãng lai, cho dù đang nhập khẩu ròng nguyên vật liệu thô”.
“Chúng tôi tin rằng ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), sẽ dần thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng tốc độ thắt chặt của họ sẽ không nhất thiết phải bằng với tốc độ thắt chặt của Fed”, Bank of America nhận định.
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tiên trên toàn cầu tăng trưởng trở lại trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19. Sau đó, khi Chính phủ nước này rút lại các biện pháp kích cầu và chuyển sang thắt chặt chính sách, nhu cầu trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm mạnh. Gần đây, PBOC chuyển sáng nới lỏng, gồm hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Các tuyên bố chính sách tiền tệ gần đây đã “cho thấy mức độ kiên nhẫn cao” của các ngân hàng trung ương Thái Lan, Malaysia, Indonesi và Philippines – theo chuyên gia kinh tế Tan Boon Heng của Mizuho trong một báo cáo mới đây.
Ngân hàng trung ương của Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đều đang giữ vững lãi suất, mà ông Tan cho rằng nguyên nhân một phần do “tình trạng phục hồi tăng trưởng chậm chạp” tại các nền kinh tế này. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng trung ương khác ở châu Á, như Hàn Quốc và Singapore, đã phải nâng lãi suất để chống lạm phát.