Các ngân hàng trung ương toàn cầu chạy đua chống lạm phát
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất nhằm hãm phanh đà leo thang của giá cả tiêu dùng - một hệ quả từ việc theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong đại dịch Covid-19. Giờ đây, việc đảo ngược chính sách nhằm chống lạm phát lại đặt ra một rủi ro đáng sợ không kém là suy thoái kinh tế...
Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) hồi giữa tuần trước đã tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm - một động thái mạnh hơn dự báo - sau hai lần nâng 0,5 điểm phần trăm. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng nâng lãi suất với bước nhảy nửa điểm phần trăm sau mấy lần áp dụng bước nhảy 0,25 điểm phần trăm. Tiếp sau đó Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) cũng có đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp.
Tại Mỹ, báo cáo lạm phát công bố hôm 13/7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% trong tháng 5 và mức dự báo tăng 8,8% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Ngay lập tức, số liệu này dẫn tới sự đặt cược của một bộ phận nhà đầu tư và chuyên gia phân tích rằng Fed có thể nâng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm trong cuộc họp vào cuối tháng này, sau khi áp dụng bước nâng 0,75 điểm phần trăm – mạnh nhất 28 năm – trong cuộc họp tháng 6 vừa qua.
Thị trường cũng đang dự báo Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, tăng gấp 2 lần so với bước nhảy lãi suất của những lần tăng vừa rồi, vì nền kinh tế Anh đã cho thấy một sự bứt phá bất ngờ trong tháng 5.
KHI CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG KHÔNG NGẠI SUY THOÁI
Vốn quen với 2 thập kỷ giá tiêu dùng tăng yếu, các ngân hàng trung ương đã có một đánh giá sai lầm rằng các áp lực giá cả trong năm 2021 sẽ sớm tự giải tỏa. Tuy nhiên, những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã kéo dài hơn dự báo. Tiếp đó, sự gia tăng đột biến của giá năng lượng và giá hàng hóa cơ bản sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine đã chấm dứt bất kỳ ảo tưởng nào còn sót lại về “chủ nghĩa từ tốn” trong chống lạm phát, hãng tin Bloomberg nhận định.
Mới cách đây vài tháng, hầu như chưa có một ngân hàng trung ương lớn nào trên thế giới hình dung ra tình thế hiện nay. Ngoài ra, việc tăng lãi suất quyết liệt nhằm hạ nhiệt giá cả cũng có thể dẫn tới một cú sốc tăng trưởng, thậm chí dẫn tới suy thoái kinh tế, nhưng các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác. Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng 6 đã nói rõ rằng không đưa được lạm phát về tầm kiểm soát sẽ là một sai lầm còn lớn hơn cả việc thắt chặt quá đà. Các quan chức ngân hàng trung ương ở Anh và khu vực Eurozone có vẻ đồng tình với quan điểm này của ông Powell.
“Các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng bỏ qua những bằng chứng về sự giảm tốc tăng trưởng, cho tới khi họ tin chắc rằng vị thần lạm phát đã bị nhốt trở lại vào trong cái chai”, các chiến lược gia về lãi suất của ngân hàng Rabobank nhận định trong một báo cáo. “Chúng tôi tiếp tục tin rằng các nhà hoạch định chính sách dám gây ra một cuộc suy thoái kinh tế ở mức độ mà họ cho là cần thiết để dịch chuyển đường cong nhu cầu theo hướng đạt mục tiêu về lạm phát”.
Một khi nhiều ngân hàng trung ương tăng tốc trong cuộc đua lãi suất, những nước tụt lại phía sau đang hứng chịu loạt bất lợi về tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ càng khiến cho lạm phát ở những nước đó trở nên tồi tệ hơn vì khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa đắt đỏ hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đến nay chưa tăng lãi suất, và trong tuần vừa rồi, đồng Euro đã giảm dưới mức 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2022. Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 6 – dữ liệu củng cố khả năng Fed nâng lãi suất ít nhất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 26-27/7. Sau đó, tỷ giá Euro hồi phục khi người phát ngôn của ECB nói rằng ngân hàng trung ương này đang theo dõi ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái lên lạm phát. Tuyên bố này được xem như minh họa về sức ép cạnh tranh mà nhiều người coi là “chiến tranh tiền tệ ngược”. (Trong chiến tranh tiền tệ - currency war - các quốc gia chạy đua giảm giá đồng nội tệ để giành lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa của nước mình).
Một ngân hàng trung ương lớn khác đến nay vẫn nằm ngoài cuộc đua tăng lãi suất là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), dù Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho rằng lạm phát đang tăng lên ở nước này chủ yếu biến động hàng hóa cơ bản và không phải là dạng tăng giá kiểu ổn định mà ông mong muốn.
Tỷ giá đồng Yên đang phản ánh rõ sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa BOJ với các ngân hàng trung ương khác. Năm nay, đồng nội tệ của Nhật đã giảm giá 16% so với USD, đặt ra mối lo ngại lớn trong chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida, nhưng dường như không phải là chuyện lớn đối với các nhà hoạch định chính sách trong BOJ. Tại Mỹ, mới vào cuối năm ngoái, ông Powell và các đồng nghiệp của ông bắt đầu “bình thường hóa” chính sách tiền tệ sau thời kỳ siêu nới lỏng trong đại dịch Covid-19. Giờ đây, sau hơn nửa năm, họ đang ở trong một chiến dịch thắt chặt mạnh tay chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Nhận thấy sai lầm khi xem lạm phát là “tạm thời”, Fed đã phải đẩy nhanh việc chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE). Sau khi “rón rén” tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3, Fed đã “bạo tay” áp dụng bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5, và tiếp đến là 0,75 điểm phần trăm vào tháng 6.
Giờ đây, với sức nóng của lạm phát tiếp tục tăng lên, khả năng tăng lãi suất 1 điểm phần trăm đang được tính đến. Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng này ở mức 50-50, sau khi Canada áp dụng bước nhảy lãi suất 1 điểm phần trăm vào cuộc họp tuần vừa rồi.
Nhiều nhà phân tích xem việc Fed tăng lãi suất ngày càng mạnh là bằng chứng rõ rệt cho thấy Fed đã chậm so với sự leo thang của giá cả và đang phải “chạy theo” lạm phát. Hệ quả của việc “chạy theo” này rất có thể là suy thoái. “Ông Powell cần phải lấy lại thế kiểm soát trong bức tranh lạm phát. Ông ấy hiện đang mất kiểm soát hoàn toàn với lạm phát”, cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz phát biểu trong một cuộc trao đổi mới đây với CNBC. “Ông ấy phải hành động vì nếu không, ông ấy sẽ ngày càng tụt lại và không thể cán đích”.
TRANH CÃI VỀ KHẢ NĂNG SUY THOÁI Ở MỸ
Hy vọng của nhà đầu tư và giới chuyên gia hiện nay là việc tăng lãi suất nhanh hơn sẽ đảm bảo được rằng lạm phát sẽ không bám rễ sâu vào nền kinh tế trong dài hạn. Các chỉ báo về kỳ vọng lạm phát dài hạn trên thị trường trái phiếu hiện nay cho thấy giới đầu tư tin các ngân hàng trung ương sẽ làm được điều này. Lãi suất hòa vốn (breakeven rates) phản ánh kỳ vọng lạm phát 10 năm tới ở Mỹ là 2,35%; ở Đức là 2,08%; ở Canada là 1,98%; và ở Anh là 3,68%. Tuy nhiên, sự đánh đổi ở đây có thể là suy thoái kinh tế, sớm hơn so với hình dung của nhiều người.
Trong một báo cáo ra ngày 12/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Định chế này cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 2,9% đưa ra hồi cuối tháng 6. IMF cảnh báo việc tránh một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ ngày càng “khó khăn hơn”, nhưng tin tưởng rằng Mỹ sẽ tránh được kịch bản tồi tệ đó. Tuy nhiên, không phải nhà dự báo nào cũng có sự lạc quan thận trọng như IMF.
Ngân hàng Bank of America dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ vào nửa cuối của năm nay do lạm phát cao buộc Fed phải nâng lãi suất quyết liệt để chống lại. Thậm chí, có nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới thực ra đã suy thoái rồi. Công cụ GDP Now của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy thoái, với dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 2,1% trong quý 2. Trước đó, GDP Mỹ đã giảm 1,6% trong quý 1. Hai quý suy giảm liên tiếp được coi là nền kinh tế đã suy thoái.
Bản thân Fed cũng không dám chắc kinh tế Mỹ có tránh được suy thoái hay không. Trong một cuộc điều trần hồi tháng 6 trước Quốc hội Mỹ, dù bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế đang mạnh, ông Powell thừa nhận một cuộc suy thoái có thể xảy ra. “Đó chắc chắn là một khả năng”, ông nói. “Đó không phải một hệ quả nằm trong chủ đích của chúng tôi, nhưng chắc chắn là một khả năng. Thực lòng mà nói những gì xảy ra trên thế giới trong mấy tháng qua khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn để đạt được mục tiêu như mong muốn là lạm phát 2% và một thị trường lao động vẫn mạnh”.
Báo cáo kinh tế Beige Book của Fed công bố vào tuần trước phản ánh mối lo kinh tế gia tăng, cộng thêm niềm tin rằng lạm phát sẽ còn leo thang ít nhất trong thời gian còn lại của năm nay. “Tương tự như báo cáo trước, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong lần khảo sát này nhìn chung là tiêu cực ở hầu hết các khu vực”, báo cáo viết.
Một dấu hiệu khác phản ánh tâm trạng bi quan của giới đầu tư toàn cầu về triển vọng kinh tế là diễn biến giá đồng. Giá của kim loại này được xem là một chỉ báo quan trọng về sức khỏe kinh tế vì đồng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nhấn mạnh rằng giá đồng đang giảm mạnh dù không có dấu hiệu gì của sự suy giảm nhu cầu hay gia tăng nguồn cung. “Thậm chí, câu chuyện thực tế hoàn toàn trái ngược. Chúng tôi đang thấy bức tranh nhu cầu của Trung Quốc cải thiện”, ông Hynes nói.
Điều đó có nghĩa là giới đầu tư cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế, và mối lo này đang phản ánh vào giá đồng - vị chuyên gia giải thích. “Diễn biến giá đồng nói lên một điều rằng nhà đầu tư đang bi quan về triển vọng kinh tế”.
Theo dữ liệu của Reuters, trong quý 2 vừa qua, giá đồng có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2011. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá đồng tiếp tục đà trượt dốc. Giá đồng giao sau trên sàn giao dịch kim loại LME ở London hiện ở mức hơn 7.340 USD/tấn.