Cuộc đua lãi suất của các nền kinh tế phát triển: Nước nào dẫn trước, nước nào tụt lại?

An Huy
Chia sẻ

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là ngân hàng trung ương duy nhất còn lại trong số các nền kinh tế phát triển tiếp tục giữ quan điểm cho rằng “lạm phát chỉ là tạm thời”...

Trụ sở Fed ở Washington DC, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Fed ở Washington DC, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Mới đây, Na Uy và Thuỵ Điển đã gia nhập hàng ngũ các ngân hàng trung ương nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, đánh dấu đợt tăng mạnh nhất của lãi suất cơ bản tại hai quốc gia Bắc Âu này trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây.

Trước đó trong tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) gây ngạc nhiên khi nâng lãi suất nửa điểm phần trăm. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là ngân hàng trung ương duy nhất còn lại trong số các nền kinh tế phát triển tiếp tục giữ quan điểm cho rằng “lạm phát chỉ là tạm thời”.

Dưới đây là biến động lãi suất của các nền kinh tế phát triển từ đầu năm đến nay, do hãng tin Reuters điểm lại:

MỸ

Hôm 15/6, Fed trở thành ngân hàng trung ương cứng rắn nhất tại các nền kinh tế phát triển khi nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên 1,5-1,75%. Động thái nâng lãi suất mạnh nhất 28 năm của Fed diễn ra chỉ vài ngày sau khi thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài nâng lãi suất, Fed còn đang cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán 9 nghìn tỷ USD vốn phình to do chương trình mua tài sản để bơm tiền vào nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.

NEW ZEALAND

Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên mức 2% vào hôm 25/5. Đây là mức lãi suất cơ bản cao nhất ở New Zealand kể từ năm 2016 và là lần nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp của nước này.

RBNZ dự báo sẽ tăng lãi suất gấp đôi lên 4% trong vòng 1 năm tới và sẽ duy trì ở đó tới năm 2024. Trong 3 tháng đầu năm nay, lạm phát ở New Zealand là 6,9%, mức cao nhất 3 thập kỷ, trong khi mục tiêu mà ngân hàng trung ương nước này đề ra là 1-3%.

CANADA

Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) có lần nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm thứ hai liên tiếp, lên mức 1,5%, vào hôm 1/6, đồng thời tuyên bố sẽ “hành động mạnh mẽ hơn” nếu cần thiết.

Với lạm phát tháng 4 ở mức 6,8%, Thống đốc BOC Tiff Macklem không loại trừ khả năng nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm hoặc thậm chí lớn hơn. Ông cũng cho biết lãi suất có thể được tăng vượt ngưỡng trung tính 2-3% trong một khoảng thời gian nhất định.

Phó thống đốc BOC Paul Beaudry đã cảnh báo về khả năng “nhảy cóc” của lạm phát. Thị trường tài chính Canada cũng đã phản ánh vào giá tài sản khả năng BOC có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp - điều chưa từng có ở nước này - trong tháng 7.

ANH

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào hôm 16/6, lần nâng thứ 5 kể từ tháng 12 năm ngoái, đưa lãi suất cơ bản của đồng Bảng lên 1,25% - mức cao nhất kể từ tháng 1/2009.

BOE dự báo lạm phát ở Anh có thể vượt 11%, nên nhiều khả năng ngân hàng trung ương này sẽ phải thực thi lời hứa hành động mạnh mẽ nếu cần thiết.

NA UY

Năm ngoái, Na Uy là nền kinh tế phát triển lớn đầu tiên trên thế giới khởi động chu kỳ năm lãi suất. Hôm 23/6 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Na Uy (NB) nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 1,25%, đợt tăng mạnh nhất kể từ năm 2002.

NB dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 4 lần nữa trong 4 cuộc họp chính sách tiền tệ còn lại của năm nay, với bước nhảy của mỗi lần nâng là 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Thống đốc Ida Wolden Bache không loại trừ khả năng tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn.

AUSTRALIA

Với nền kinh tế phục hồi tích cực và lạm phát ở mức 5,1%, cao nhất 20 năm, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) bất ngờ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào hôm 6/6. Đây là lần nâng lãi suất thứ hai liên tiếp của RBA sau nhiều tháng liên tục khẳng định chưa đến lúc thắt chặt chính sách tiền tệ. Thị trường hiện đang đặt cược nhiều vào khả năng RBA tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 7.

THUỴ ĐIỂN

Hành động muộn hơn so với các ngân hàng trung ương khác trong cuộc chiến chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển (Riksbank) nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào hôm 30/6, đưa lãi suất lên mức 0,75%. Đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Thuỵ Điển trong hơn 20 năm.

Mới vào tháng 2 năm nay, Riksbank dự báo sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ đến năm 2024. Tuy nhiên, Thống đốc Stefan Ingves giờ đây dự báo lãi suất cơ bản sẽ tăng lên mức 2% vào đầu năm 2023 và tính đến khả năng áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.

EUROZONE

Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) chạm 8,6% trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 21/7, và đây sẽ là lần nâng đầu tiên của ECB kể từ năm 2011. ECB dự định sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9.

Ngoài ra, ECB còn đang đẩy nhanh việc thiết lập một công cụ nhằm kiểm soát thị trường trái phiếu chính phủ còn phân tán của khu vực. Từ ngày 1/7, ECB sẽ sử dụng tiền thu về từ trái phiếu Đức, Pháp và Hà Lan đáo hạn để mua trái phiếu từ những thị trường yếu hơn như Italy.

THUỴ SỸ

Hôm 16/6, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) bất ngờ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, khiến tỷ giá đồng Franc của nước này tăng vọt. Trước đó, lãi suất cơ bản của Thuỵ Sỹ là âm 0,75%, mức thấp nhất thế giới.

Trước khi SNB tăng lãi suất, đồng Franc đã mất giá, góp phần khiến lạm phát ở Thuỵ Sỹ tăng lên gần mức cao nhất của 14 năm Thống đốc Thomas Jordan nói ông không còn thấy rằng đồng Franc được định giá cao hơn giá trị thực. Tất cả những yếu tố này đã mở đường để giới đầu tư đặt cược vào khả năng SNB tiếp tục tăng lãi suất. Hiện tại, thị trường đang tính đến khả năng SNB tăng lãi suất 1 điểm phần trăm vào tháng 9.

NHẬT BẢN

Trong số các nền kinh tế phát triển lớn, Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất chưa tăng lãi suất.

Trong cuộc họp vào hôm 18/6, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) duy trì lãi suất ở mức siêu thấp âm 0,1% và cam kết ghìm giữ lợi suất trái phiếu bằng cách mua vào không giới hạn trái phiếu. Do chính sách này của BOJ, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm đang bị ghìm ở khoảng 0-0,25%.

Thống đốc Haruhiko Kuroda của BOJ đã nhấn mạnh cam kết duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, cho dù gọi việc đồng Yên rớt giá xuống mức thấp nhất 24 năm so với đồng USD là điều “không được mong đợi” vì làm gia tăng sự bấp bênh.

Trong khi đó, các quỹ phòng hộ đang đặt cược rằng BOJ không thể duy trì mãi chương trình mua trái phiếu với quy mô khổng lồ. Ngoài ra, BOJ cũng có thể đối mặt với sức ép chính trị, xét tới việc lạm phát ở nước này có thể vượt quá mục tiêu 2% tháng thứ hai liên tiếp và bầu cử sẽ diễn ra trong tháng 7.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con