Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tham vọng kiếm chỗ đứng tại thị trường xe Việt Nam
Năm 2022 vừa qua đánh dấu một bước ngoặt mới của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc với nhiều kỷ lục bị phá vỡ. Ngay sau khi “ấm chỗ” với các vị trí dẫn đầu thị phần tại các nước phát triển, quốc gia 1,4 tỷ dân này tiếp tục tăng cường sự xuất hiện tại các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, các hãng ô tô Trung Quốc có nhiều bước thăng trầm. Năm 2006, Tập đoàn Lifan ra mắt mẫu sedan Lifan 520, mở màn cho hành trình thâm nhập thị trường Việt của các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc. Năm 2009, Tập đoàn Chery ra mắt mẫu xe Chery QQ3 với giá chỉ 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng thời điểm 2009). Năm 2010, BYD cũng trình làng mẫu BYD F0 tại Việt Nam với mức giá khoảng 200 triệu đồng. Điểm chung của các sản phẩm là giá thành rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe nhập từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, người dùng Việt còn e ngại vấn đề chất lượng và giá trị bán lại. Mặt khác, các dòng xe Trung Quốc cũng khó tiếp cận thị trường do thiếu mạng lưới đại lý rộng khắp như các hãng xe đang chiếm thị phần tại Việt Nam.
Trong hai lần trở lại sau đó với những tên tuổi mới như Haima, MG, Zotye, BAIC trong khoảng thời gian từ 2011-2018, mặc dù số lượng mẫu xe phong phú hơn, gần với thị hiếu của người dùng hơn nhưng các nhà sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc vốn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc không ít mẫu xe “cóp nhặt” ý tưởng thiết kế của các hãng xe tên tuổi khác càng khiến người dùng e dè hơn trước khi quyết định xuống tiền mua xe.
Từ năm 2019 đến nay, người dùng Việt bắt đầu chú ý đến các mẫu xe Trung Quốc hơn, đặc biệt với những mẫu xe của BAIC như Beijing X7, BAIC Q7, BAIC X55... Với mức giá chỉ từ 500 triệu đồng, những mẫu xe này vẫn được tích hợp nhiều trang bị cao cấp như: nhận diện khuôn mặt, màn hình giải trí cỡ lớn, cửa sổ trời toàn cảnh cùng hàng loạt trang bị an toàn như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, ga tự động và cảm biến áp suất lốp...
Năm 2022, một số hãng xe lớn của Trung Quốc như MG, Chery đã xác nhận sẽ quay trở lại thị trường Việt. Trong đó, Tập đoàn Chery khẳng định sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là nhà máy lắp ráp ô tô đầu tiên của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam ngày càng trẻ hóa nên OMODA 5 được lựa chọn là sản phẩm đầu tiên ra mắt tại Việt Nam. OMODA 5 sử dụng ngôn ngữ thiết kế Art in motion (nghệ thuật trong chuyển động), được trang bị nhiều công nghệ cao bao gồm sạc không dây, ghế thông gió, 17 tính năng trợ lái ADAS, v.v. vô cùng phù hợp với giới trẻ. Vì vậy, chúng tôi chọn OMODA 5 là sản phẩm đầu tiên ra mắt. Dòng sản phẩm OMODA của chúng tôi còn có các phiên bản khác như OMODA 3, OMODA 7, J7 và J9. Tất cả những sản phẩm này sẽ được đưa về Việt Nam trong thời gian tới”, đại diện Chery tại Việt Nam chia sẻ với VneconomyAutomotive.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 12/2022, thị trường Việt Nam đón nhận thêm 64.700 ô tô. Sản lượng ô tô nhập khẩu đạt 25.000 xe, tăng 10% so với tháng 11; đạt kim ngạch 466 triệu USD, tăng 8,6%. Mỗi chiếc ô tô nhập khẩu về trong tháng 12 đạt giá trị trung bình 18.640 USD, cho thấy các xe giá rẻ đang chiếm số lượng lớn. Lũy kế cả năm 2022, tổng số ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe nhập khẩu đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Những số liệu này là minh chứng cho thấy thị trường ô tô Việt Nam vô cùng tiềm năng, không chỉ với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc mà còn thu hút cả các hãng xe lớn trên thế giới. Do đó, việc MG, Chery hay một số hãng xe khác của Trung Quốc quyết định mở rộng thị trường tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á là chiến lược quan trọng trong năm 2023 để cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng Việt. “Trước khi ra mắt tại Việt Nam, Chery đã thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát để lắng nghe ý kiến của thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất. Và đối với Việt Nam, công ty sẽ xây dựng nhà máy tại đây do được nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện về chính sách thuế. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một chút khác biệt so với các thị trường khác tại Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng Chery sẽ mang đến sự lựa chọn tốt nhất cho người dân Việt Nam”, đại diện Chery tại Việt Nam cho biết thêm.
Theo Tổng cục Hải quan, về thị trường nhập khẩu ô tô, dẫn đầu thị phần hiện nay vẫn là 3 quốc gia ở châu Á gồm: Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc, chiếm tới 93,23% lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), tính đến tháng 11/2022, doanh số ô tô toàn thị trường của quốc gia này đạt 24,3 triệu chiếc. Trung bình mỗi tháng, có khoảng 2,5 triệu ôtô được bán ra. “Như vậy, tính chung cả năm 2022, doanh số ô tô tại Trung Quốc có thể đạt mốc 27 triệu chiếc, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Chen Shihua, Phó Tổng thư ký CAAM cho biết.
Điểm nhấn trong báo cáo này là doanh số các dòng xe điện tăng đột biến, trong khi xe dùng động cơ đốt trong lại sụt giảm mạnh. Trong đó, doanh số xe hybrid (HEV) tại Trung Quốc đã tăng 100% lên 6.067.000 chiếc so với đầu năm; xe plug-in hybrid (PHEV) tăng 155% lên 1.333.000 chiếc; xe điện chạy bằng pin (BEV) tăng 92% lên 4.734.000 chiếc.
Cũng trong tháng 12/2022, BYD, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc đã chính thức “soán ngôi” Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Doanh số BRV của BYD đã tăng 4% so với tháng 11, lên 235.197 chiếc vào tháng trước. Lũy kế cả năm 2022, BYD bán được 1,86 triệu chiếc xe điện, hầu hết tại thị trường Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Lý do chính cho sự gia tăng doanh số đáng kinh ngạc này đến từ chính sách cắt giảm thuế trước bạ được đưa ra hồi tháng 6/2022 và trợ giá dành riêng cho người mua xe điện. Cụ thể, đối với ô tô chở khách dưới 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) với dung tích động cơ dưới 2 lít được mua từ ngày 1/6 đến ngày 31/21/2022 được giảm một nửa thuế trước bạ, từ mức 10% xuống còn 5%. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do đại dịch Covid-19, tình trạng sa thải nhân công trong ngành công nghệ đang đẩy người tiêu dùng xuống thị trường xe giá rẻ, sản xuất trong nước, thay vì các mẫu xe nhập khẩu hoặc thương hiệu nước ngoài như Tesla.
Tuy nhiên, kể từ năm 2023, với dự báo kinh tế toàn cầu suy thoái, cùng với các chính sách ưu đãi bị cắt giảm, thị trường ôtô nội địa Trung Quốc sẽ bắt đầu hạ nhiệt. Đây là thời điểm các hãng xe Trung Quốc tìm kiếm thêm cơ hội tại các quốc gia đang phát triển tại Châu Á. Trong đó, Thái Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Bỉ và Anh. Tính riêng lĩnh vực xe điện, 9 tháng năm 2022, Thái Lan đã nhập khẩu 59.375 xe điện Trung Quốc. BYD thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2023, công suất khoảng 150.000 ô tô điện mỗi năm để xuất khẩu sang Châu Âu và các quốc gia Đông Nam Á.
Tại Indonesia, các dòng xe đến từ thương hiệu Nhật Bản vẫn chiếm lĩnh thị trường, nhưng xe Trung Quốc cũng đang ngày càng phổ biến hơn. Hãng xe Trung Quốc đầu tiên gia nhập thị trường này là tập đoàn Indomobil vào năm 2006, sau đó đóng cửa vào năm 2013. Mới đây, ít nhất hai nhà sản xuất xe hơi lớn của Trung Quốc đã xác nhận chính thức tham gia thị trường Indonesia. Trong đó, BYD cho biết, sau Thái Lan, hãng xe này cũng sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Indonesia.
Chery cũng sẽ xuất khẩu 3 mẫu SUV là Tiggo 4 Pro, Tiggo 7 Pro và Tiggo 8 Pro vào thị trường nước này. Cũng trong năm 2022, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 120 tỷ rupiah (8,3 triệu USD) để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc và tìm kiếm thêm đầu tư trong năm 2023. Đây là một thị trường “béo bở” dành cho các nhà sản xuất do tỷ lệ sở hữu xe hơi ở nước này vẫn còn rất thấp so với các nước Đông Nam Á khác, trong khi dân số lại trên 280 triệu người, lớn thứ 4 thế giới.