Các “ông lớn” bán lẻ trong cuộc đua hạ giá
Vài tuần gần đây, nhiều hãng bán lẻ lớn của Mỹ đồng loạt giảm giá. Họ muốn lôi kéo khách hàng chi tiêu nhiều hơn vào cả nhu yếu phẩm và hàng không thiết yếu như quần áo, đồ trang trí… trong bối cảnh người tiêu dùng đổ xô đi săn sale…
Vài năm qua, các hãng bán lẻ Mỹ phải tăng giá do lạm phát. Tuy nhiên, gần đây họ bắt đầu gặp khó, khi người tiêu dùng không mua sắm nhiều như trước. Giá tăng buộc họ lựa chọn giữa thứ mình muốn và thứ mình cần. Cuối cùng, các hãng bán lẻ đã phải nhượng bộ.
Đây không chỉ là vấn đề với người tiêu dùng và các hãng bán lẻ lớn, mà còn là của cả nền kinh tế Mỹ. Một năm qua, người Mỹ bắt đầu giảm chi, khi giá cả tăng 20 - 30% so với 3 năm trước. “Trong khi đó, thu nhập lại không theo kịp”, Sarah Wyeth Giám đốc nghiên cứu bán lẻ và tiêu dùng tại S&P Global Ratings nhận định. “Mà khoảng hai phần ba GDP Mỹ là đến từ tiêu dùng”.
Theo CNN, Target thông báo trong mua hè này sẽ giảm giá cho 5.000 mặt hàng từ sữa đến khăn giấy nhằm duy trì tính cạnh tranh. Hôm 20/5, Target cho biết đợt giảm giá sắp tới sẽ áp dụng cho một loạt mặt hàng tiêu dùng gia đình, từ mức giảm 5% cho một pound bơ đến mức giảm 14% cho khăn giấy thơm Clorox. “Chúng tôi biết người tiêu dùng đang cảm thấy áp lực tận dụng tối đa ngân sách”, Rick Gomez, Giám đốc bộ phận thực phẩm, nhu yếu phẩm và chăm sóc sắc đẹp của Target, nói.
Thông báo của Target nhấn mạnh đợt giảm giá sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm hàng triệu đô la đối với các mặt hàng thiết yếu trong gia đình và các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như sữa, trái cây tươi, tã lót và thậm chí cả thức ăn cho thú cưng. Thông báo trên của Target được đưa ra vài ngày sau khi Walmart tiết lộ đang thực hiện đợt giảm giá tạm thời với quy mô lớn bất thường trong vòng khoảng 90 ngày.
Trong tháng 4, số lượng các mặt hàng tạp hóa được Walmart giảm giá tạm thời như vậy tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. John Furner, CEO phụ trách thị trường Mỹ của Walmart, cho biết các siêu thị của Walmart hiện có gần 7.000 mặt hàng được giảm giá. Ông kỳ vọng, chính sách giảm giá sẽ giúp doanh số bán thực phẩm tăng lên trong thời gian còn lại của năm.
Ngay cả hệ thống cửa hàng thực phẩm Amazon Fresh (thuộc Amazon) cũng gia nhập danh sách các chuỗi bán lẻ tại Mỹ giảm giá sản phẩm. Amazon Fresh cho biết mỗi ngày sẽ giảm giá lên tới 30% với 4.000 mặt hàng. Chính sách này áp dụng với cả mua tại cửa hàng và mua trực tuyến. Amazon cho biết nhiều sản phẩm, từ thịt, hải sản, đồ đông lạnh, sữa đến snack đều sẽ rẻ hơn trước. "Tăng số khuyến mãi trong tuần với hàng nghìn sản phẩm là cách chúng tôi cạnh tranh và giúp khách hàng tiết kiệm", Claire Peters, Phó giám đốc phụ trách toàn cầu tại Amazon Fresh cho biết.
Quyết định giảm giá bán của hai trong số các chuỗi siêu thị bách hóa lớn nhất của Mỹ cho thấy giá bán lẻ đang chững lại, nếu không muốn nói là suy giảm, sau nhiều năm tăng do tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng thời đại dịch Covid-19 và thị trường lao động Mỹ vững mạnh.
Tương tự, hãng đồ nội thất Thụy Điển Ikea gần đây cũng hạ giá hàng trăm đồ nội thất và trang trí nhà cửa. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Aldi cũng áp dụng khuyến mãi với hơn 250 đồ thiết yếu mùa hè. "Khi ngày càng nhiều chuyên gia cảnh báo về lạm phát, thời điểm hiện tại là thích hợp để giảm giá mạnh tay hơn nữa", Dave Rinaldo, Giám đốc Aldi Mỹ cho biết trong thông báo.
Lạm phát dai dẳng khiến tâm lý của người tiêu dùng Mỹ trở nên tồi tệ trong năm bầu cử tổng thống. Trong cuộc khảo sát mới nhất, do Financial Times và Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan thực hiện, 71% người tiêu dùng Mỹ đánh giá các điều kiện kinh tế đang trở nên tiêu cực.
Hôm 21/5, chuỗi bán lẻ nội thất Lowe’s báo cáo doanh số bán hàng tại cùng một cửa hàng giảm 4,1% trong quí đầu tiên do khách hàng cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động tu bổ lớn cho nhà cửa. Chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s báo cáo doanh số bán hàng trong quí vừa qua giảm 1,2% tại các cửa hàng mà công ty sở hữu. Theo CEO của Macy’s, Tony Spring, dù khách hàng hưởng lợi từ mức lương và việc làm tăng trưởng mạnh mẽ, áp lực lạm phát vẫn tồn tại khiến họ cảm thấy khó khăn.
Với các chính sách giảm giá, Doug McMillon, CEO Walmart, ghi nhận khách hàng đang phản ứng tích cực. Công ty đã nâng dự báo về doanh thu và lợi nhuận trong năm, một dấu hiệu cho thấy số lượng khách hàng mua sắm sẽ đem lại sự tăng trưởng. Theo các nhà phân tích tại Evercore IRI, các cửa hàng tạp hóa chiếm hơn một nửa doanh số bán hàng của Walmart và công ty này đã được hưởng lợi về giá với mức thấp hơn khoảng 25% so với các siêu thị truyền thống.
Ông Neil Saunders, nhà phân tích tại GlobalData Retail cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng: "Hầu hết người Mỹ vẫn không thoải mái với giá thực phẩm và vẫn đang tích cực tìm cách kiểm soát chi tiêu của mình. Điều này đã mang lại lợi ích cho Walmart và cho phép chuỗi tiếp tục có được khách hàng mới".
Joe Feldman, nhà phân tích tại Telsey Advisory Group, nhận định Target có lẽ đang chịu áp lực bắt kịp Walmart. “Đợt giảm giá của hai nhà bán lẻ này có khả năng mở rộng sang phần còn lại của ngành bán lẻ, do Walmart và Target đóng vai trò định hướng giá cả”, ông nói thêm.
Theo Financial Times, các kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố trong đợt gần đây nhất đã cho thấy ngay cả những người Mỹ giàu có cũng đang thận trọng hơn. Nanette Abuhoff Jacobson, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Hartford Funds, nói với CNN: “Ai cũng biết rằng người tiêu dùng có thu nhập thấp nhất đang thực sự phải vật lộn với lạm phát, nhưng từ quan điểm kinh tế thuần túy, chính nhóm người có thu nhập cao hơn mới là những người chi tiêu thận trọng”.
Nhà bán lẻ hàng xa xỉ Burberry của Anh trong tuần trước báo cáo lợi nhuận giảm 40% trong tài khóa kết thúc tháng 3/2024. Doanh số bán tại Mỹ giảm 12% trong tài khóa. Burberry cho biết lợi nhuận hoạt động của Burberry trong cả năm 2023 đạt 418 triệu bảng Anh (526,4 triệu USD). Trong khi đó, tập đoàn quốc tế của Pháp chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ LVMH trong báo cáo lợi nhuận công bố tháng trước cho biết nhu cầu rượu mạnh cao cấp giảm mạnh tại Mỹ, khiến lượng tồn kho lớn.
Nhưng bức tranh rộng hơn không chỉ toàn là màu u ám. Hãng du thuyền Royal Caribbean Cruises đứng đầu kỳ vọng về kết quả thu nhập quý đầu tiên nhờ lượng đặt phòng ổn định và người tiêu dùng chi tiêu mạnh mẽ cho du lịch. Dù vậy, người tiêu dùng nhìn chung quan tâm hơn đến giá cả. Việc họ trì hoãn chi tiêu khiến các doanh nghiệp cũng không dễ tăng giá, thậm chí phải tính đến các phương án khuyến mãi.