Các tỉnh miền Trung khẩn trương, quyết liệt triển khai các phương án phòng chống bão Noru
Trước diễn biến rất nguy hiểm của bão Noru, các tỉnh miền Trung được dự báo tâm bão tràn đi qua đã và đang hối hả, khẩn trương, quyết liệt triển khai phương án ứng phó với bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại...
Với phương châm “không chủ quan, lơ là” các cấp các ngành của các tỉnh, thành phố miền Trung nơi được dự báo nằm trong vùng tâm bão Noru đã và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, khẩn trương triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó ; kịp thời cử các đoàn công tác kiểm tra đến các vùng xung yếu để đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện biện pháp phòng tránh.
Các lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố đã chủ động có phương án sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá; hướng dẫn tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền nhằm bảo đảm an toàn tính mạng.
Tại cuộc họp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão Noru ngày 25/9, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu, từ ngày 26/9, tất cả các cuộc họp không cần thiết sẽ tạm hoãn, các sở, ngành, địa phương rà soát lại kịch bản di dân, chốt thời gian di dân, tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, nguy cơ cao.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế dự kiến sẽ di dời 23.762 hộ dân với 84.930 khẩu để đối phó với bão, 17.712 hộ dân với 65.231 khẩu để đối phó với lũ lụt và 7.087 hộ với 26.528 khẩu để đối phó với nguy cơ cao do lũ quét, sạt lở đất.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công diện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai khẩn cấp và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26/9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.
Theo báo cáo, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế còn khoảng 3.200 ha diện tích ao nuôi và hơn 3.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm đã đến kỳ thu hoạch và thủy sản đang nuôi chưa đến kỳ thu hoạch đang được các ngành chức năng hỗ trợ và hướng dẫn người dân chằng chống gia cố để giảm thiệt hại khi bão đổ vào.Tỉnh Thừa Thiên – Huế có hơn 600 phương tiện tàu thuyền khai thác biển đã và đang tranh thủ vào bờ nơi trú tránh an toàn, chỉ còn 6 phương tiện với 52 lao động trên biển, chậm nhất sáng 26/9 sẽ đưa vào bờ tránh trú an toàn.
Tại Đà Nẵng, chiều 25/9, đoàn công tác do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại TP. Đà Nẵng. Đoàn đã đến kiểm tra công tác sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang trên địa bàn quận Sơn Trà.
Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cho biết, tại các địa phương có dân sinh sống ven sông, suối của huyện Hòa Vang và vùng ven biển của thành phố đã chủ động có các phương án di dân từ vùng trũng, vùng nguy hiểm, vùng sạt lở đến nơi an toàn. Thành phố cũng đã bố trí các địa điểm tránh trú, dự trữ đủ lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân đến nơi sơ tán.
Theo Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng, cho biết đến chiều ngày 25/9, tất cả các tàu thuyền của Đà Nẵng đã được hướng dẫn neo đậu an toàn. Riêng 18 chiếc tàu dầu tại âu thuyền Thọ Quang đã được đưa ra đậu bên ngoài để phòng chống cháy nổ bão do va đập. Đối với các tàu nhỏ, thuyền thúng không vào neo đậu, các đồn biên phòng sẽ huy động cùng ngư dân khiêng lên bờ đảm bảo an toàn.
Từ 16 h 30 ngày 25/9, Biên phòng Đà Nẵng đã có thông báo cấm người, tàu thuyền xuất bến khai thác và làm dịch vụ khai thác hải sản hoạt động trên biển, cho đến khi có thông báo mới.
Hiện Đà Nẵng còn 35 chiếc tàu của các địa phương khác đang hoạt động trên biển đã liên lạc được, thành phố đã hướng dẫn cho ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm và đang di chuyển vào bờ an toàn.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết thành phố thực hiện quyết liệt việc di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. “Trước khi bão đổ bộ 01 tiếng đồng hồ, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ dùng biện pháp mạnh, yêu cầu tất cả ngư dân lên bờ để đảm bảo an toàn”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ thực hiện di dời 182.280 người, trong đó di dời tại chỗ 57.753 người và sơ tán hơn 124.520 người.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã huy động mọi lực lượng vận động và hỗ trợ người dân khẩn trương thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch. Đến thời điểm này, các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn của tỉnh đã thu hoạch xong lúa hè thu; riêng một số huyện vùng núi còn khoảng 570 ha lúa nước và hơn 3.500 ha lúa rẫy chưa thu hoạch.
Cùng với đó, các địa phương cũng đã chỉ đạo người dân chủ động chằng chống nhà cửa theo từng khu vực, từng cấp độ; bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, bảo đảm an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản.
Hiện tỉnh Quảng Nam có 2.910 lồng, bè nuôi thủy sản, trong đó có 580 lồng thủy sản nước ngọt, chủ yếu nuôi trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và trên sông Tam Kỳ; 2.330 lồng thủy sản nước mặn/lợ tập trung nhiều ở các địa phương Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An. Diện tích nuôi trồng khoảng 650 ha (thủy sản nước mặn/lợ), chủ yếu nuôi trên cát lót bạt ven biển và lót bạt vùng cao triều, nuôi ven sông đã thu hoạch khoảng 85%, số còn lại vẫn đang tiếp tục thu để tránh bão.
Tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển là: 87 tàu với 2.533 lao động /Tổng số tàu cá của toàn tỉnh là 2.753 tàu với 13.575 lao động. Các tàu đã nhận được thông báo về bão Noru.
Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên trong hai ngày 24-25/9 có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-148mm, đây cũng là địa phương có nhiều lộng nuôi thủy sản với khoảng 82.000 lồng nuôi, hơn 960 tàu thuyền. Đến chiều 25/9 chỉ còn 13 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên và thị xã Sông Cầu đã yêu cầu người dân nuôi trồng thủy sản chằng néo vững chắc lồng bè, hướng dẫn người dân thả bè xuống sát đáy để bảo đảm an toàn; tổ chức kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Tỉnh Phú Yên cũng đã triển khai vận động tất cả ngư dân trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản phải vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền, tuyệt đối không để người nào ở lại trên các lồng bè nuôi thủy sản.
Hiện, các tỉnh, thành phố miền Trung dự báo nằm trong vùng tâm bão Noru đã chủ động thực hiện khá tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện trọng yếu nhằm kịp thời triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang vận hành bảo đảm an toàn. Tỉnh có 163 hồ chứa có dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên, đến thời điểm 12 giờ ngày 25/9, đạt khoảng 30% dung tích thiết kế, hiện có 24 hồ chứa cạn nước, các hồ còn lại đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 73 hồ chưa thủy lợi, 04 hồ chứa thủy điện. Đến thời điểm này các hồ chứa thủy lợi đã tích nước 40-50% dung tích hữu ích thiết kế; các hồ chứa thủy điện tích nước còn thấp đạt 20-30%. Sở Nông nghiệp và PT Nông thôn Quảng Nam đã tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng các hồ, đập xây phương án ứng phó thiên tai và phương án đối phó với tình huống thiên tai khẩn cấp.