Các yếu tố cốt lõi khi phát triển sản phẩm Edtech hậu Covid-19 là gì?
Chia sẻ tại Talkshow The WISE Talk số 02 với chủ đề “Công nghệ giáo dục (Edtech) đang góp phần đưa trẻ em Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới như thế nào?” sáng ngày 22/06, bà Nguyễn Phương Dung, CEO Công ty CP 1Edtech, nhà phát triển ứng dụng Dino Đi học, đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng khi startup phát triển sản phẩm Edtech…
Chia sẻ tại Talkshow The WISE Talk số 02 với chủ đề “Công nghệ giáo dục (Edtech) đang góp phần đưa trẻ em Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh mới như thế nào?” sáng ngày 22/06, bà Nguyễn Phương Dung, CEO Công ty CP 1Edtech, nhà phát triển ứng dụng Dino Đi học, đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng khi startup phát triển sản phẩm Edtech…
CƠ HỘI BÙNG NỔ TỪ COVID-19
Sự xuất hiện của Covid-19 đã kéo theo sự chuyển đổi mạnh mẽ khi mọi gia đình và nhà trường phải nỗ lực đưa các hoạt động học tập lên nền tảng số. Các công cụ e-learning một lần nữa được đẩy mạnh, và rõ ràng, được phổ cập tới rất nhiều gia đình.
“Đây là cú hích chưa từng thấy với các nền tảng số, các công cụ e-learning”, bà Dung nhấn mạnh.
Về nội dung, bà Dung cho biết, trước và trong giai đoạn Covid-19 bùng nổ, các chương trình và các nội dung học tập số tập trung vào việc cung cấp các nội dung thiết yếu, cơ bản, bám sát với nhu cầu nhà trường để hỗ trợ học sinh.
Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, tình hình ổn định trở lại, nội dung sẽ hướng đến mục tiêu bù đắp lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng cho người học, cùng với mở rộng thêm những kỹ năng mới, hoặc những bộ môn mới.
Xét về tính năng, các gia đình, nhà trường sẽ mong muốn các chương trình có tính năng hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh trong quá trình học tập, có thể là giám sát, theo dõi kết quả, phân tích báo cáo, và đặc biệt là kiểm soát được nội dung học tập trên không gian số.
“Ngoài ra, cá nhân hóa nội dung và trải nghiệm học tập sẽ tiếp tục là xu hướng được đầu tư hơn nữa. Những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) sẽ đem lại các sản phẩm thiết thực, gần gũi hơn với người học”, bà Dung chia sẻ.
NỘI DUNG - YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA SẢN PHẨM EDTECH
CEO Công ty CP 1Edtech cũng cho biết, khi nói đến công nghệ giáo dục, điều thường thấy là nhiều người suy nghĩ và tập trung ngay vào mặt công nghệ, tức là làm sao để công nghệ tối tân, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, hay ho với các đối tượng tiếp cận.
Do đó, rất nhiều startup tập trung vào các tính năng, cố gắng làm sao đẹp nhất, gây được thích thú nhất, cũng như nhiều tính năng hỗ trợ cho việc học, cho người giám sát quá trình học tập như là phụ huynh và nhà trường.
Tuy nhiên, “đối với những sản phẩm công nghệ giáo dục, cái lõi của nó là giáo dục”, bà Dung nhấn mạnh.
Theo đó, cái cuối cùng cần phải tập trung là chương trình giáo dục, là các chương trình có thể giúp ích cho sự tiến bộ của người học – tiêu chí cuối cùng mà người làm sản phẩm cần phải quan tâm.
Điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà phát triển sản phẩm về việc đầu tư vào yếu tố cốt lõi là nội dung học tập như thế nào cho phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không hề dễ dàng. Các nhà phát triển sản phẩm luôn luôn phải giải quyết bài toán đầu tư bao nhiêu cho chất lượng nội dung, bởi đầu tư cho giáo dục đòi hỏi sự lâu dài, cần rất nhiều nỗ lực và đam mê.
Lấy ví dụ tại ứng dụng Dino Đi học, bà Dung cho biết bản thân doanh nghiệp cũng phải luôn cân đo đong đếm việc đầu tư cho nội dung, làm thế nào để mang lại sự tiến bộ và kết quả thiết thực cho người học.
Lấy trọng tâm là chất lượng, ứng dụng này đã áp dụng theo đúng khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp các em học sinh dễ dàng theo được nội dung học tập, bên cạnh kết hợp với các thầy cô giáo, chuyên gia tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và Đại học Thủ đô để mà xây dựng chương trình phù hợp.
Bà Dung tiết lộ thêm với ứng dụng mới DinoHow dự kiến ra mắt vào tháng 7/2022 tới đây, đơn vị này còn kết hợp với các đối tác quốc tế để xây dựng và khai thác hiệu quả các tài liệu học tập.
Sau nội dung, trải nghiệm học tập trên sản phẩm Edtech cũng là điều các nhà phát triển sản phẩm cần phải quan tâm, bởi đây là yếu tố giúp tăng hiệu quả chất lượng nội dung.
Lấy ví dụ về phương pháp game-based learning, bà Dung cho biết có thể dùng những yếu tố của trò chơi như tính mới lạ, tính bất ngờ, tính sở hữu – những yếu tố kích thích sự khám phá – để đưa vào thiết kế trải nghiệm học.
Những điều này sẽ giúp người học cảm thấy thú vị sau mỗi lần học, dần dần duy trì thói quen, từ đó đạt được kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, xu hướng đưa người học trở thành trung tâm của quá trình học đang ngày càng nhận được sự quan tâm và đầu tư khi các ứng dụng thực tế cho thấy mức hiệu quả gia tăng đáng kể.
Bà Dung cho biết kể từ tháng 12 năm ngoái, ứng dụng của đơn vị này đã thử nghiệm việc chuyển đổi từ tích lũy điểm học thành phần thưởng sang hình thức học, khám phá, tự do lựa chọn các nội dung học tập mới.
Kết quả là hiệu quả học tập và gắn kết với chương trình học tăng lên gấp 8 lần, cho thấy việc đưa người học trở thành trung tâm của quá trình học giúp tăng cảm hứng và hiệu quả rõ rệt.