Cải cách thể chế, cắt giảm chi phí tuân thủ đối mặt với 4 thách thức lớn
Một quy định pháp luật có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính; phí – lệ phí; chi phí đầu tư; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức. Chính vì vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế trở nên ngày càng quan trọng...
Tại “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, ngày 19/7, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: "Cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật".
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài sự không thuận lợi từ cuối năm 2022. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).
Cũng 6 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Dự báo, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài giúp doanh nghiệp “vượt bão”.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu cho biết điều tra của Tổng cục thống kê về doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất nhiều về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh.
Song khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là tài chính, chi phí để trang trải và duy trì sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cải cách thể chế rất quan trọng.
Lấy hình ảnh minh hoạ, một doanh nghiệp gánh còng lưng các quy định của luật pháp, ông Hiếu chỉ rõ, luật pháp là cần thiết nhưng mặt trái của nó là tác động không mong muốn, không chỉ tạo ra thủ tục hành chính mà tạo cả gánh nặng tài chính và chi phí tuân thủ rất lớn.
Một quy định pháp luật có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính; phí – lệ phí; chi phí đầu tư; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức.
“Chính vì vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế trở nên ngày càng quan trọng. Cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, cải cách thể chế, cắt giảm chi phí tuân thủ đối mặt với 4 thách thức lớn.
Thứ nhất, phải cắt giảm từ các quy định hiện hành.
Thứ hai, lo lắng những chi phí mới sẽ phát sinh từ các dự thảo và sẽ được ban hành như định mức phí tái chế Fs, mở rộng đối tượng nộp VAT...
Thứ ba, một loạt các chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp như thuế carbon của EU với hàng nhập khẩu.
Thứ tư, cải cách thể chế cũng cần đặt trong bối cảnh quốc tế. Các nước trong khu vực cạnh tranh gay gắt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nếu quốc gia nào có môi trường đầu tư kinh doanh tốt thì chi phí tuân thủ thấp.
“Cải cách thể chế ngày càng quan trọng, thậm chí không kém các biện pháp về tài khoá và chính sách tiền tệ trong ngắn hạn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 644 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, có 3 điểm được nhấn mạnh: không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Song để thực hiện hiệu quả Công điện 644, ông Phan Đức Hiếu gợi ý, cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Đồng thời ông Hiếu đề nghị, nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu buộc phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp, để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ. Nếu buộc phải ban hành và thực thi ngay, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định này như phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm CO2…
Trong lĩnh vực khó khăn hiện nay, nhu cầu cơ cấu lại, bán bớt tài sản kinh doanh là có. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động này khiến doanh nghiệp không thể tái cơ cấu lại. Do đó, ông Hiếu đề nghị nghiên cứu xem xét khung thể chế nới lỏng có thời hạn, địa chỉ giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Cải cách thể chế là lâu dài nên cần có cơ chế để thúc đẩy việc này một cách thường xuyên, bền vững. Nếu cải cách chỉ là xuất phát đơn lẻ, theo thời điểm từ chính cơ quan ban hành thể chế đó thì rất khó, hiệu quả không cao”, ông Hiếu nói.
Dẫn chứng các nước trên thế giới (như Canada, Anh, Hoa Kỳ) thường có cơ quan độc lập, với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế. Đây là cơ chế bền vững trong cải cách thể chế. Cơ chế này được trao thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.