Cải thiện môi trường, tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên
Sự hồi phục của một dòng sông vốn đang dần bị cạn kiệt nguồn lợi, rất cần được bảo vệ, duy trì và chăm chút lâu dài với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng
Sự hồi phục của một dòng sông vốn đang dần bị cạn kiệt nguồn lợi, rất cần được bảo vệ, duy trì và chăm chút lâu dài với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Với ý nghĩa đó, mới đây, nhân chuyến về Việt Nam công tác, ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã cho thả hơn một triệu con cá giống các loại xuống dòng kênh Rạch Chiếu (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp.HCM), một nhánh thuộc lưu vực sông Cần Giuộc.
Hơn 1 tấn cá giống các loại, gồm: cá trê, cá chép, điêu hồng, rô phi,…được đặt mua từ trại cá giống có uy tín và bảo đảm chất lượng, chủng loại ở Bình Dương và Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính khoảng hơn một triệu con, đã được vận chuyển bằng xe tải đến công ty VWS.
Ông David Dương cho biết, đây là hoạt động thường niên của công ty với mong muốn góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản cho con kênh Rạch Chiếu, đồng thời nhằm góp phần chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó muốn gửi thông điệp rằng, dòng kênh ở khu vực vẫn bảo đảm môi trường sống tốt cho các loài thủy sản.
Đây là những loại có khả năng thích nghi với môi trường sống tại đây và đem lại nguồn lợi kinh tế cho bà con sống quanh khu vực. "Hy vọng một triệu con cá này sẽ sống khỏe và sinh sôi nảy nở, để chứng minh rằng các con sông ở đây vẫn "sống", nguồn lợi thủy sản vùng đất này vì vậy sẽ nhiều hơn, phong phú đa dạng . Từ đó tạo ra kế sinh nhai cho người dân xung quanh", ông David chia sẻ.
Vẫn theo ông David Dương, Công ty VWS sẽ cử chuyên gia theo dõi, đánh giá các thông số nguồn nước của kênh Rạch Chiếu và sông Cần Giuộc thường xuyên, đồng thời giám sát mức độ tồn tại, sinh sống của đàn cá. Chúng tôi cam kết hàng năm sẽ thả xuống con sông này thêm vài triệu con cá nữa.
Khu vực xung quanh dòng kênh Rạch Chiếu thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, trước đây và hiện nay thường có người dân sử dụng nhiều phương tiện đánh bắt cá khác nhau, kể cả chích điện theo kiểu tận diệt, nhằm thu lợi từ cá nhiều hơn. Nguồn thủy sản thiên nhiên, vì thế cạn kiệt ảnh hưởng kế sinh nhai của chính bà con. Cùng với việc thả cá giống để tăng số lượng đàn cá, được biết Công ty VWS muốn kêu gọi người dân địa phương chung tay bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thả cá xuống kênh rạch, dòng sông nhằm cải thiện môi trường nước, tái tạo một "dòng sông chết", hồi sinh nguồn lợi thủy sản,… cũng như góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống, là xu thế chung trong quá trình phát triển kinh tế đồng thời với bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.
Trong nhiều năm trở lại đây, Tp.HCM chính quyền cùng với người dân, các đoàn thể xã hội cũng đã tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và bảo vệ môi trường này. Cụ thể nhất đó là nỗ lực hồi sinh "dòng kênh chết" Nhiêu Lộc - Thị Nghè của các cấp, các ngành của chính quyền Thành phố. Qua mười năm quyết tâm cải tạo, "dòng kênh chết" Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đã trở thành một "điểm đến" tham quan, thưởng ngoạn của đông đảo người dân sống quanh khu vực, cũng như từ nhiều nơi khác nhau.
Giấc mơ "Giải lụa xanh" của Tp.HCM đối với dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè uốn khúc quanh co đi xuyên qua địa bàn các quận Tân BÌnh, Phú Nhuận, Quận 3, Quận 1 và Bình Thạnh, đã trở thành hiện thực, có một phần rất quan trọng đó là việc thả hàng triệu con cá từ nhiều năm trước đây để cải tạo dòng kênh.
Cũng là những con cá trê, cá rô phi, chép, điêu hồng,… nhưng vào thời điểm trước đây, ít người dân Thành phố tin rằng, chúng có thể sống được và dòng sông vì thế có thể được cải tạo, phục hồi tốt. Đến nay thì không chỉ một Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mà dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé cũng đang "bước tiếp" hành trình mà dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đi qua.
Cùng chung tay trong việc cải tạo các dòng kênh, dòng sông, tái tạo và làm phong phú hóa, đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản quanh lưu vực, Công ty VWS đã đồng hành khi đều đặn theo truyền thống, thả cá xuống các dòng kênh, dòng sông.