Cần cụ thể hoá “kiểm soát quyền lực” để chống tham nhũng
Uỷ ban Tư pháp thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ
Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.
Trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội sáng 28/10, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã nêu đánh giá trên.
Chính phủ cũng nhìn nhận, công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng
Yếu kém nổi bật được Chính phủ nhìn nhận là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp cũng là yếu kém được nêu tại báo cáo.
Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, hiệu quả thấp, Tống thanh tra tiếp tục nêu yếu kém.
Tham nhũng diễn biến phức tạp, theo Chính phủ thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra,đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, Chính phủ đánh giá.
Ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp nêu thực trạng đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền.
Có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến. Bên cạnh đó cũng phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức..., Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Qua giám sát, cơ quan thẩm tra còn chỉ ra vấn đề đáng lưu ý khác là trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này còn nghiêm trọng
Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ ra không ít vấn đề đã được cơ quan này kiến nghị nhiều năm nhưng Chính phủ không thực hiện.
Chẳng hạn, Uỷ ban này đã kiến nghị nhiều lần nhưng Chính phủ vẫn không xác định cụ thể được số tài sản tham nhũng qua công tác thanh tra, chưa tách biệt giữa tài sản do hành vi tham nhũng gây ra với tài sản do hành vi vi phạm pháp luật khác dẫn đến không đánh giá chính xác được hậu quả vật chất do tham nhũng gây ra.
Về nguyên nhân của những hạn chế yếu kém, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ lưu ý một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”…
Các nghiên cứu quốc tế về tham nhũng đã khẳng định rằng bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực - đây chính là bản chất và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng.
Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng có hiệu quả và góp phần thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực đã được hiến định, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng có hiệu quả và góp phần thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực đã được hiến định, báo cáo thẩm tra nêu rõ.