Cần hạn chế phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn
Cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện
Góp ý vào Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII, nhiều bộ ngành và doanh nghiệp cho rằng cần phải hạn chế phát triển năng lượng tái tạo, tránh phát triển với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua.
Cụ thể, góp ý vào quy hoạch điện VIII về chương trình phát triển nguồn điện, Ngân hàng nhà nước, Bộ khoa học công nghệ, Tổng công ty truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung cho rằng, theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%). Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...
Các đơn vị trên đề nghị rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định "Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045".
Đồng thời cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.
Và giảm tỷ lệ năng lượng tái tạo cho phù hợp với Nghị quyết 55- NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (NQ55), cụ thể 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.
Về góp ý trên, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đơn vị chắp bút quy hoạch cho biết tiếp thu ý kiến về các tồn tại của năng lượng tái tạo và cho rằng nguồn năng lượng này nên phát triển có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Theo Viện Năng lượng, quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW.
Cụ thể, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Nghị quyết 55/NQ-TW là tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp, mức tỷ lệ này tương ứng với tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.
Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 định hướng đến 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050.
"Khi đưa ra chính sách về mục tiêu năng lượng tái tạo là tỷ lệ thấp nhất phải đạt được", Viện Năng lượng giải trình và cho rằng, mô hình quy hoạch lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo vượt mức thấp nhất, chứng tỏ chi phí đầu tư của nguồn năng lượng tái tạo dự báo trong tương lai thấp, việc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo hơn so với mục tiêu vẫn đảm bảo là phương án nguồn điện có chi phí thấp nhất
Trong khi đó, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII, trong giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống điện (bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo) là tương đối cao, khoảng 70% năm 2025 và 60% năm 2030.
Do vậy sẽ dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (hiệu quả sản xuất điện năng trung bình) hàng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại một số thời điểm cũng như không tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn điện khác như nhiệt điện khí tự nhiên, thủy điện.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và EVN cho rằng cần xem xét, đánh giá kỹ vấn đề nêu trên để có đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, tránh trường hợp lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư.
Giải trình cho góp ý trên, Viện Năng lượng cho biết đã xem xét các vấn đề nêu ra, các nguồn điện gió, mặt trời không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết nên thường sẽ không tính tới trong dự phòng công suất của hệ thống điện.
Viện này cho rằng, nếu không tính công suất của điện gió, mặt trời thì dự phòng của hệ thống điện trong các năm 2025, 2030 là 24% và 16,1% đối với phụ tải cơ sở và 21% và 14,7% đối với phụ tải cao, đây là các con số phù hợp. Đồng thời cho biết việc sớm phải nghiên cứu và đưa ra kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước là cần thiết, điều này đã được đề trong đề án.