Cần làm gì để phát triển “ra đầu, ra đũa” ngành quế tại Việt Nam
Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đang xuất thô chứ chưa chú trọng đầu tư lớn để chế biến sâu...
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150 nghìn ha, trồng cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế hằng năm trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8% đến 12% đã khiến giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.
Đây là tín hiệu tốt, song thực tế này cũng có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển trồng cây quế ồ ạt tại Việt Nam. Bên cạnh hoạt động sản xuất, các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng tăng theo.
Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.
Tại buổi tọa đàm “Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp, nguyên trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội; Giám đốc khối Dự án, DKPharma JSC, cho rằng, ở Việt Nam cây quế là loại cây chiến lược, tuy nhiên kế hoạch để phát triển ngành này 1 cách toàn diện và sâu hơn vẫn chưa có.
Chúng ta vẫn chưa trả lời được hàng loạt những câu hỏi như đâu là vùng trồng tốt nhất, giống nào tốt nhất, tiêu chuẩn như thế nào thì cho ra chất lượng tốt nhất... Và chúng ta thực sự chưa đầu tư mạnh để chế biến sâu mà hài lòng với những gì đang có, tức là xuất thô sang các thị trường truyền thống.
Khi 1 cây quế, rất có tiềm năng và triển vọng mà chúng ta chưa đầu tư nghiên cứu để phát triển được bài bản thì chưa nên tính đến việc "lựa chọn 100 loại cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển; thúc đẩy nuôi trồng chuyên canh quy mô lớn".
Theo PGS. TS Trần Văn Ơn, nếu muốn phát triển “ra đầu, ra đũa” ngành hàng quế tại Việt Nam cần đầu tư khoảng 12.000 tỷ, trong đó là khoảng 8.500 tỷ tiền tái canh hàng năm, 1.500 tỷ tiền xưởng chưng cất tinh dầu… Đổi lại, theo tính toán của PGS. TS Trần Văn Ơn, việc nâng cấp công nghệ, chế biến sâu sẽ, ngành quế sẽ tạo ra nguồn thu khoảng 22.000 tỷ mỗi năm.
Bài toán tập trung vào từng loại cây trọng điểm, xây dựng tiêu chuẩn, phát triển bài bản, có chiều sâu và cung cấp sản phẩm tinh, theo PGS. TS Trần Văn Ơn là khả thi hơn đầu tư cho 100 cây dược liệu ở khắp các tỉnh thành.